Trong số 13 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 của Luật, đáng chú ý có Khoản 6: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này đồng nghĩa với việc chỉ người đi bộ mới được uống rượu, bia; mọi hành vi đi xe ra đường sau khi uống rượu, bia đều bị cấm triệt để, áp dụng với cả các phương tiện giao thông cơ giới (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô…) lẫn phương tiện giao thông thô sơ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo…).
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ vừa ban hành, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 nhằm hiện thực hóa quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được nêu tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, có nhiều điểm mới. Cụ thể, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị xử phạt. Theo đó, đối với người điều khiển ô tô, mức xử phạt cao nhất từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô, mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.