Phú Quý:Một số kết quả trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp

  • /
  • 12.4.2013 - 11:22

Trong những năm qua, Đảng bộ huyện đảo Phú Quý đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 01/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XI). Quán triệt, cụ thể hoá triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành kế hoạch triển khai cho tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, trọng tâm là đối với Đảng uỷ, HĐND - UBND các xã và Đảng uỷ Quân sự huyện về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống các xã và lực lượng vũ trang nhân dân địa phương

Trên cơ sở kế hoạch triển khai của Ban Thường vụ Huyện uỷ, Đảng uỷ các xã và Đảng uỷ lực lượng vũ trang huyện đều có kế hoạch, định hướng cho việc triển khai, tổ chức biên soạn lịch sử truyền thống tại địa phương, đơn vị mình.

 Từng cấp uỷ đã nhận thức xác định công tác tổ chức biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương nói chung; các đề tài về lịch sử văn hóa, danh lam thắng tích, dư địa chí địa phương, vùng miền... là một công trình nghiên cứu khoa học đặc biệt quan trọng và rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội; thể hiện chủ nghĩa yêu nước cách mạng, truyền thống đạo lý, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, mang đậm tính nhân văn, tính nhân loại, tính thời đại và tính thực tiễn sâu sắc. Việc tổ chức nghiên cứu, thực hiện các đề tài, công trình khoa học nêu trên đòi hỏi cao ở phẩm chất, đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, trình độ, năng lực, tính trung thực và sự kiên trì quyết tâm của những người tham gia thực hiện. Qua đó, các cấp ủy Đảng đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục và bước đầu tích hợp giảng dạy trong trường học lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương; góp phần vào việc xác định chế độ, chính sách đối với những người có công với cách mạng; ý thức thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa.

 Những năm trước đây, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986 - 1991) về thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; đồng thời thiết thực chào mừng sự kiện lịch sử ở địa phương, kết quả thắng lợi của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 5 (1991 - 1995), Ban Thường vụ Huyện uỷ Phú Quý (khoá V) đã tập trung chỉ đạo, triển khai và hoàn thành việc biên soạn tập lịch sử Đảng bộ huyện; tháng 10/1992 đã cho in ấn phát hành rộng rãi tập “Đảo Phú Quý - những chặng đường lịch sử” với số lượng ấn phẩm xuất bản ban đầu là 1.200 bản; kinh phí chi cho công tác này gần 50 triệu đồng. Trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày  03/12/1999 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá IX) “về tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử các huyện, thành phố, xã, phường và các ngành, đoàn thể cấp tỉnh”; Chỉ thị số 15 - CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và Thông báo số 255 - TB/TU, ngày 11/11/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá X) “về tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp”; Ban Thường vụ Huyện uỷ (khoá VII) tiếp tục chỉ đạo, tập trung rà soát, bổ sung, biên soạn lại tập “Đảo Phú Quý - Những chặng đường lịch sử”, tái bản bổ sung giai đoạn 1975 - 2005. Trải qua các giai đoạn thời gian và công tác chuẩn bị, việc biên soạn tập “Huyện Phú Quý - những chặng đường lịch sử” đã hoàn thành và tháng 4/2007 được tổ chức in ấn phát hành (tái bản lần thứ nhất) với số lượng ấn phẩm là 2.000 cuốn; kinh phí đầu tư gần 120 triệu đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 37 - CT/TU, ngày 01/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XI), Ban thường vụ Huyện uỷ đã triển khai kế hoạch và quyết định tiến hành tổ chức biên soạn lịch sử truyền thống lực lượng vũ trang địa phương. Để tiến hành tổ chức biên soạn tập “Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Phú Quý (1975 - 2010)” theo kế hoạch và tiến độ thời gian; các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn đã tiến hành sưu tập tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để làm rõ hơn các nội dung, vấn đề cần đề cập; đồng thời, dựa trên cơ sở tư liệu có liên quan trong tập lịch sử Đảng bộ huyện “Huyện Phú Quý - Những chặng đường lịch sử”. Ban Chỉ huy Cơ quan Quân sự huyện chủ trì, chiệu trách nhiệm tổng hợp tư liệu, tổ chức hội thảo, góp ý và trực tiếp hợp đồng với Phòng Khoa học Công nghệ Môi trường Quân khu 7, Trường Đại học Bình Dương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật để biên tập và in ấn xuất bản tập lịch sử. Quá trình biên soạn bản thảo, được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ, cơ quan Quân sự huyện đã tổ chức nhiều hình thức để lấy ý kiến đóng góp cho bản thảo ngày càng hoàn thiện; qua đó, đã tổ chức 02 lần Hội thảo tại Thành phố Phan Thiết; thông qua nhiều kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện uỷ và Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn tập sử; đồng thời, kịp thời gởi bản thảo theo đường Bưu điện cho những nhân chứng vắng mặt, không tham dự các lần Hội thảo để góp ý… Tháng 12/2012 đã hoàn thành việc biên tập và chính thức in ấn xuất bản tập “Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Phú Quý (1975 - 2012)”, số lượng ban đầu là 530 cuốn. Kinh phí đầu tư cho việc biên soạn, in ấn phát hành tập sử gần 200 triệu đồng.

Nhìn chung, qua 5 năm (2008 - 2012), thực hiện Chỉ thị 37 - CT/TU, ngày 01/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XI), việc triển khai tổ chức biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương đã góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; thấy được mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng, cũng như sự quan tâm đầu tư của Đảng bộ và chính quyền địa phương trong công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương. Các quyển sách lịch sử đã xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung mang tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ tỉnh, đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh. Nội dung các quyển sách đã xuất bản tái hiện lại lịch sử đã diễn ra một cách đầy đủ, chân thực và sinh động hơn; có đánh giá tổng kết thực tiễn lịch sử và rút ra kinh nghiệm. Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, Mặt trận, các đoàn thể chính trị, địa phương, đơn vị từng bước có sự quan tâm trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống địa phương cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ, học sinh và tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân địa phương; tuyên truyền, phổ biến lịch sử truyền thống của địa phương đến một số địa phương, tổ chức ngoài huyện (biếu tặng, cung cấp thông tin lịch sử…). Việc vận dụng tư liệu tuyên truyền lịch sử truyền thống địa phương trong các dịp kỷ niệm (giải phóng đảo 27/4, thành lập huyện 12/12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12…) đã mang lại ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong các đối tượng xã hội. Ngành giáo dục cũng đã vận dụng, biên soạn, tích hợp nội dung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương trong giáo dục học sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ công tác biên soạn lịch sử truyền thống địa phương. Tiến độ triển khai, tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương theo tinh thần nội dung Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh uỷ còn chậm, kéo dài thời gian, chưa có sự đầu tư hợp lý trên các mặt. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thường xuyên; việc tổ chức biên soạn đề cương, giáo trình, tích hợp nội dung giảng dạy lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương trong các trường học thực hiện chưa sâu, rộng. Đội ngũ trực tiếp tham gia biên soạn lịch sử truyền thống ở địa phương chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm thực tế, nên một số công trình chất lượng còn hạn chế. Tuy các tập lịch sử Đảng bộ huyện (tái bản lần thứ nhất) và lịch sử truyền thống lực lượng vũ trang địa phương đã hoàn thành (giai đoạn sau năm 1975), nhưng nguồn tư liệu thành văn, tư liệu nhân chứng sống vẫn chưa được khai thác tốt để đưa vào lịch sử; còn sai sót lỗi kỹ thuật trong quá trình ấn loát… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan chức năng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.

  Trong thời gian tới, huyện đảo Phú Quý tiếp tục quán triệt, triển khai, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, địa phương, đơn vị trong việc nghiên cứu, thực hiện tốt tinh thần nội dung Chỉ thị 37 - CT/TU, ngày 01/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XI) và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương. Tiếp tục có kế hoạch triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức biên soạn lịch sử truyền thống các xã gắn với lịch sử văn hoá, danh lam thắng tích hiện có ở địa phương; rà soát, chỉnh lý, bổ sung, biên tập tái bản (lần thứ 2) tập “Huyện Phú Quý - Những chặng đường lịch sử” (đến 2015). Các cấp, ngành chức năng có kế hoạch thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, lao động, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Phối hợp tổ chức biên soạn chương trình học tập lịch sử truyền thống địa phương trong các trường học, phù hợp với từng cấp, bậc học; đồng thời phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu, học tập, giới thiệu quảng bá quê hương, đất nước, con người, phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội bền vững của địa phương./.


  • |
  • 1321
  • |

Các tin khác