Huyện đảo Phú Quý: Môi trường du lịch sinh thái biển đảo - tiềm năng phát triển

  • /
  • 29.7.2013 - 10:6

Cùng với việc tập trung lãnh đạo, tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội theo hướng bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; trong đó, công tác quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án kêu gọi thu hút đầu tư phát triển ngành “công nghiệp không khói” - du lịch sinh thái biển đảo và hạ tầng thương mại - dịch vụ luôn được cấp uỷ, chính quyền huyện đảo quan tâm triển khai.

 Phú Quý tuy chỉ là đảo nhỏ nằm giữa biển Đông mênh mông, nhưng thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho người dân đảo Phú Quý muôn vàn lợi thế tiềm năng còn ẩn chứa, vẫn chưa được đánh thức đúng mức, đúng tầm. Có ý ví von rằng, cần phải có bàn tay điêu luyện chuẩn mực của người “nhạc trưởng”, với chiếc “đũa thần” đủ uy lực cùng đội ngũ nhạc công “tài ba” mới tạo nên “bản giao hưởng hoành tráng”, âm vang bừng sáng với nhiều sắc màu hiện sinh, tạo nên bức tranh tổng quan thực chất đổi thay cho đảo Phú Quý…

Chỉ trên một diện tích nhỏ, với chu vi hẹp bao quanh nội đảo nhưng có trên 35 công trình kiến trúc, di sản văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh hữu hình, phi vật thể và nhiều danh thắng phong phú đa dạng dễ làm say đắm hồn người; trong đó có 02 di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia (Vạn An Thạnh và Chùa Linh Quang); 07 di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh (Đền thờ Công chúa Bàng Tranh, Đình làng Long Hải, Dinh Thầy Sài Nại, Đền thờ Bà Chúa Ngọc - Vạn Thương Hải, Đình làng Triều Dương, Đình - Vạn Hội An và Vạn Mỹ Khê). Bên cạnh đó, nhiều ngôi chùa lớn toạ lạc trong quần thể không gian, cảnh quan trong lành tươi đẹp (Linh Bửu, Mỹ Quang, Linh sơn tự) và nhiều vạn (thờ Thần Nam Hải-cá Voi), miếu khác…; có Hòn Tranh hoang sơ ẩn mình mời gọi sự khám phá; có gành hang, bãi nhỏ, lạch chỏi, doi dừa, bãi lăng đầy ấn tượng; một vịnh Triều Dương hữu tình với bãi cát dài trắng mịn sáng lóng lánh giữa trời và biển trong xanh; nhiều bãi rạn san hô với đa dạng sinh vật biển lượn lờ dưới làn nước biển trong suốt thấy rõ… Môi trường thiên nhiên trong lành thân thiện là thế; môi trường văn hoá ứng xử, quan hệ dân cư cộng đồng càng gắn bó thân tình biết bao bởi người dân đảo Phú Quý luôn hoà hiếu, mến khách; sẽ thiếu sót nếu không đề cập về văn hoá ẩm thực nơi đây; đến đảo, mọi nhu cầu, ý thích thưởng thức các loại hải sản tươi sống thơm ngon, bổ dưỡng, đảm bảo an toàn (ốc, cá, tôm, cua ghẹ, nhum nhiếm…), đều có thể đáp ứng nhanh ngay tại chổ cho quý khách với giá rất mềm (hơn nhiều so đất liền) và không có tình trạng cò mồi, chặt chém; có thể kể các loại, về ốc có: xà cừ ngọc nữ, tai tượng, bàn tay, đụn, nhảy, bu, tai nghêu (quêu), vú nàng…; mực có: thẻ trứng (ghim), đất, nang, lá, bạch tuộc; cua ghẹ có: huỳnh đế, mặt trăng, đỏ, xanh, nhàn; cá có mập, mú, ó, bốp, hồng, chình, chim, mặt quỹ…

Thực tế ghi nhận, trong những năm qua huyện đảo Phú Quý với tốc độ phát triển nhanh chóng, nhất là về kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội. Chỉ cách đây khoảng 10 năm trở lại thôi, chúng ta sẽ ngạc nhiên, bỡ ngỡ, ấn tượng về một sự thay đổi lớn, nhất là hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, làm cho bộ mặt huyện đảo nhiều khởi sắc. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy di tích lịch sử văn hoá, danh thắng luôn tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, Phú Quý đã và đang hoàn thành nhiều công trình trọng điểm (cảng biển, kè biển, điện gió, đường giao thông, trạm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cấp khu vực, bệnh viện quân-dân y…) và dự án 2 tàu khách trung tốc, cao tốc sắp đưa vào hoạt động. Trong khi tiếp tục chờ đợi các yếu tố, điều kiện thuận lợi từ bên ngoài tác động; cấp uỷ, chính quyền huyện đảo luôn chú trọng, phát huy đúng mức nguồn lực nội sinh tạo nền tảng cơ bản cho sự phát triển. Nhiều công trình phúc lợi, an sinh xã hội được xây dựng, sửa chửa với sự tự nguyện đóng góp của cán bộ và nhân dân trong huyện như trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, đuốc Bác Hồ (núi Cấm), công viên, hoa viên, cây xanh… Thời gian qua nhiều tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng đã đầu tư trên hàng chục tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích, kiến trúc thờ tự đúng theo quy định của Nhà nước; có 02 di tích lịch sử văn hoá được nhà nước đầu tư trùng tu, tôn tạo gần 6 tỉ đồng (Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh và Vạn An Thạnh). Đồng thời các cấp, các ngành và nhân dân luôn làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hiện hữu trên địa bàn, như phục dựng lễ phục, đạo cụ, nhạc cụ, văn tế, hoành phi, liên đối, nội dung chương trình lễ hội, lưu giữ bảo quản sắc phong, tôn tạo đình, chùa, dinh, lăng, vạn, miếu, nhà thờ tiền hiền, mộ thầy…; các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, lễ hội “Xuân - Thu nhị kỳ” (Xuân cầu, Thu báo), rước sắc, nghinh thần, hát bộ, chèo bá trạo… thường diễn ra hàng năm.

Với những gì đã có, đã tạo dựng và sẽ tiếp tục được dồn sức tập trung đầu tư, huy động, khai thác phát huy lợi thế, tiềm năng, hy vọng rằng chỉ trong tương lai gần, bức tranh toàn cảnh của một Phú Quý thân thiện, hiền hoà, hữu tình, trong lành, giàu đẹp giữa đại dương trong xanh sẽ thu hút và luôn hiện hữu trong lòng mỗi chúng ta khi một lần đến./.

                                                                                                KỲ DANH  


  • |
  • 1752
  • |

Các tin khác