Huyện đảo Phú Qúy: Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với đảm bảo Quốc phòng - An ninh

  • /
  • 25.8.2011 - 13:37

Phú Quý, là huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận nằm giữa biển Đông, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (trên 100 Km đường biển) về hướng Đông - Đông Nam, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của tỉnh và trong khu vực; đồng thời là hậu phương lớn cho quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Phú Quý, là huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận nằm giữa biển Đông, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (trên 100 Km đường biển) về hướng Đông - Đông Nam, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của tỉnh và trong khu vực; đồng thời là hậu phương lớn cho quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Phú Quý có diện tích tự nhiên 17,82km2­­­, dân số khoảng 26.000 người, sống tập trung theo cơ cấu tổ chức hành chính 10 thôn thuộc 3 xã Tam Thanh, Long Hải và Ngũ Phụng; người dân trên đảo chủ yếu sông bằng nghề khai thác đánh bắt hải sản, một bộ phận kinh doanh dịch vụ, làm vườn rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhân dân và các đơn vị lực lượng vũ trang trên đảo luôn đoàn kết gắn bó, nghĩa tình, chung tay ra sức xây dựng huyện đảo ngày một giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về cảnh quan môi trường văn hoá, xây dựng khu vực phòng thủ huyện đảo vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.  

Đối với huyện đảo Phú Quý có tính chất đặc thù và phần khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, như xa cách đất liền, mặt bằng dân trí còn thấp, kết cấu hạ tầng dân sinh kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, còn nhiều thiếu thốn, yếu kém; điều kiện thời tiết ở đảo luôn diễn biến xấu, ảnh hưởng nhiều đến đời sống lao động sản xuất cũng như việc đi lại, thông thương giữa đảo với đất liền. Tuy nhiên, trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện đảo luôn đoàn kết, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại, đạt những kết quả cơ bản trong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh; xác định lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, tạo nền tảng bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ đảo ngày một vững mạnh.
 
Toàn Đảng bộ đã triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị (khóa VI), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhất là tập trung quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X ) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và đuợc các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị cụ thể hoá bằng chương trình hành động, kế hoạch chuyên đề với những nhiệm vụ, biện pháp và giải pháp cụ thể, sát hợp, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quốc phòng, chủ quyền an ninh biển đảo; qua đó làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, hành động và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, chủ động kịp thời đấu tranh ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; nhận thức sâu sắc ý nghĩa chiến lược, tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế biển, đảo với củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh.
 
Quán triệt chủ trương, quan điểm lãnh đạo của Đảng, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng sản phẩm nội huyện tăng bình quân gần 12%, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 44%; nông, lâm, thuỷ sản chiếm 33,3%, dịch vụ 22,7%; mạng lưới bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển mạnh, toàn huyện phủ sống 4 mạng di động, điện thoại cố định bình quân đạt xấp xỉ 23 máy/100 dân, Internet phát triển rộng; năng lực khai thác đánh bắt hải sản hiện có 1.165 tàu thuyền với 23.869CV, tàu dịch vụ thu mua, chế biến hải sản có 168 chiếc/60.356CV; sản lượng khai thác hải sản luôn đạt cao, riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 được trên 11.600 tấn (đạt 52,75% kế hoạch tỉnh giao); phát triển 102 cơ sở nuôi trồng hải sản bằng lồng bè, hồ chắn với tổng diện tích mặt nước 12.614 m2, sảnlượng nuôi bình quân hàng năm đạt từ 150 - 200 tấn. Giao thông vận tải biển biển từng bước được đầu tư phát triển, hiện có 01 tàu trung tốc chuyên vận chuyển hành khách, 04 tàu vận tải hành khách - hàng hoá và 04 tàu vận tải hàng hóa, cùng với việc đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp hệ thống cảng biển, kè chắn xâm thực, khu neo đậu tàu thuyền phòng, tránh, trú bão… Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hoá xã hội được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, làm tốt công tác chính sách xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, công tác hậu phương quân đội… tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho huyện đảo phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao.
 
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo, Đảng bộ và chính quyền nhân dân huyện đảo luôn xác định thực hiện mỗi bước tăng trưởng kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực của khu vực phòng thủ, phát huy tính lưỡng dụng của các ngành kinh tế, nhất là kinh tế biển với việc ưu tiên xây dựng căn cứ hậu cần - kỹ thuật của khu vực phòng thủ, vừa phục vụ dân sinh, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Bên cạnh đó, cơ quan quân sự huyện luôn thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển; tham mưu tổ chức thành lập các trung đội, tiểu đội dân quân biển, đây là lực lượng vừa kết hợp trong khai thác đánh bắt hải sản, vừa có nhiệm vụ nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên biển và tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; đồng thời chủ động tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng bộ đội thường trực, biên phòng, dân quân tự vệ biển và các đơn vị radar phòng không, hải quân đứng chân trên địa bàn, kịp thời phát hiện, tham mưu cho lãnh đạo huyện chỉ đạo xử lý những trường hợp xâm phạm chủ quyền biển đảo và các trường hợp tàu nước ngoài khai thác, đánh bắt trên thềm lục địa của ta, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.
 
Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền các cấp trên huyện đảo luôn quan tâm, coi trọng.
Phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự quan tâm đầu tư của tỉnh và Trung ương, Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quý tiếp tục phấn đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo gắn với tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, để huyện đảo Phú Quý thực sự “mạnh về biển, giàu lên từ biển", bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) của Đảng về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020./.
                                                                                                                                               KỲ DANH
                                                                                                                          Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Quý

  • |
  • 1031
  • |

Các tin khác