(1) Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PAPI. Phải xác định việc tổ chức thực hiện chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; xem đây là một nguồn thông tin có cơ sở khoa học để chỉ ra những việc làm được và chưa làm được, mức độ hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các cấp; những phản ánh, ý kiến góp ý, mong muốn của người dân về chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước; qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tinh thần và thái độ trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. (2) Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, gắn với hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân và tổ chức. Giải quyết kịp thời các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân và tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, tham gia góp ý xây dựng chính quyền. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. (3) Hàng năm, căn cứ kết quả phân tích, đánh giá Chỉ số PAPI của UBND tỉnh; theo đó, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, xác định những nội dung còn hạn chế, yếu kém để xây dựng chương trình, kế hoạch khắc phục theo hướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các tập thể, cá nhân có liên quan để triển khai khắc phục; thường xuyên rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. (4) Nâng cao hiệu quả hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện, xã, nhất là việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp trễ hẹn, sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bằng nhiều hình thức phù hợp, tiếp tục thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã,… để người dân hiểu, đồng thuận và giám sát việc thực hiện. Tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ công. (5) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới và Công văn số 2223/UBND-SNV, ngày 23/6/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. (6) Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chỉ số PAPI nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; thực hiện tốt vai trò giám sát trong quá trình thực hiện. Đồng thời, có giải pháp củng cố, phát huy tốt hơn nữa vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở cấp xã. (7) Cơ quan khối Dân vận chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TU cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo định kỳ hàng năm.
PAPI là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
PAPI đánh giá mức độ hiệu quả của quản trị và hành chính công cấp tỉnh thông qua tám trục:
(i) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở;
(ii) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương;
(iii) Trách nhiệm giải trình với người dân;
(iv) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công;
(v) Thủ tục hành chính công;
(vi) Cung ứng dịch vụ công;
(vii) Quản trị môi trường; và,
(viii) Quản trị điện tử.
Từ năm 2018, PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể. Trước đó, từ năm 2009 đến 2017, PAPI có 6 chỉ số nội dung, 22 nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu cụ thể.