Trước diễn biến tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, nhạy cảm, các tổ chức, đơn vị, địa phương trong huyện kịp thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền biển, đảo theo đúng chủ trương, định hướng của trên; qua đó, kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân (gọi chung là các đối tượng xã hội) trong huyện; khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN; ý thức xác định rõ vai trò trách nhiệm của các đối tượng xã hội tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, triển khai của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo Huyện ủy kịp thời hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức, đơn vị, địa phương chỉ đạo, định hướng thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế; chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội liên quan công tác thông tin đối ngoại tại địa phương; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, quê hương, tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa, nghệ thuật, du lịch, sản phẩm truyền thống ở địa phương...; nhận thức của các đối tượng xã hội về công tác thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế được nâng lên; xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, nhận thức việc thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam; chính sách đối nội, đối ngoại và những thành tựu đổi mới đất nước của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội các cấp được kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng dần chất lượng, phát huy tốt vai trò hoạt động; chủ động nghiên cứu, tiếp thu, nắm bắt thông tin, tư liệu, thực hiện có hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước; kịp thời nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; tích cực, chủ động đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị về tình hình trong nước, nhất là các vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, các vụ việc quan trọng, nhạy cảm, mới nảy sinh được dư luận xã hội quan tâm.
Nhận thức tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định công tác tuyên truyền biển, đảo là nhiệm vụ chính trị quan trọng được các tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch, chương trình hàng năm và được lồng ghép tuyên truyền vào dịp các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị trong năm. Theo đó, hàng năm, các tổ chức, đơn vị, địa phương trong huyện đều triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển, đảo, định hướng tình hình Biển Đông cho hơn 5.000 lượt đối tượng xã hội; tổ chức chiếu bộ phim tài liệu “Hoàng Sa, Trường Sa - Nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt” bằng nhiều hình thức như: lồng ghép tuyên truyền ở các lớp học tập, quán triệt Nghị quyết, các buổi sinh hoạt chính trị, sinh hoạt truyền thống của các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trong các giờ học ngoại khóa cho cán bộ, giáo viên và học sinh các trường phổ thông (có gần 10 ngàn lượt người tham gia). Ngoài ra, các trường học chủ động tổ chức tuyên truyền biển, đảo lồng ghép vào các tiết học địa lý, lịch sử, giáo dục công dân và hoạt động ngoài giờ lên lớp; góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam và lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Trong năm 2015, các tổ chức, đơn vị, địa phương tổ chức cho hơn 10 ngàn lượt đối tượng xã hội tập trung xem triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, được thấy rõ nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ...; đáng chú ý có 4 tập bản đồ (atlas) do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Đặc biệt là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869) nhà địa lý học người Bỉ biên soạn, xuất bản vào năm 1827 và Bộ Atlas do Công ty Cổ phần dược phẩm CEO sưu tầm và trao tặng cho Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ châu bản của vương triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820 - 1841) đến triều Bảo Đại (1926 - 1945) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn. Cùng với bộ sưu tập 102 ấn phẩm xuất bản tại các nước phương Tây từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX có những thông tin liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo này và nhiều tài liệu, hiện vật khác liên quan đến chủ quyền biển đảo đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...