Nhưng trên hết thảy, Hồ Chí Minh là một người con yêu nước vĩ đại đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Tình thương của Người đối với đồng bào, đồng chí bao la, không bờ bến. Lòng kính yêu của toàn Đảng, toàn dân ta đối với Người là vô hạn.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV) về việc đưa ngọn Đuốc Hồ Chí Minh đến thắp sáng mọi miền của đất nước. Đối với huyện đảo Phú Quý, mặc dù cách xa đất liền hàng trăm cây số, với hải trình cách trở, nhưng với tấm lòng kính phục Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang trên huyện đảo đã tổ chức rước Đuốc về đảo, tập trung công sức vận chuyển vật liệu lên đỉnh núi Cấm để xây dựng Tượng Đài - Đuốc Hồ Chí Minh. Công trình được khởi công xây dựng trên đỉnh núi cấm vào ngày 19/02/1980 và hoàn thành vào ngày 19/5/1980 - nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Người. Tượng đài – đuốc Hồ Chí Minh ra đời thể hiện lòng thành kính của quân và dân huyện đảo luôn tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu; để mỗi người dân luôn được gần và tâm tưởng về Bác, thoả lòng mong ước của Bác đến với đồng bào miền Nam ruột thịt.
30 năm qua, biết bao lớp lớp thế hệ đoàn viên thanh viên và bà con nhân dân huyện đảo đã đến thắp hương và báo công với Bác. Nhưng cũng qua năm tháng do biến thiên của thời tiết khắc nghiệt đã làm cho công trình bị hư hỏng xuống cấp.
Hưởng ứng triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đồng thời, cũng với ý tưởng mong muốn mở rộng khu di tích văn hoá, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, cho quý khách viếng cảnh chùa Linh Bửu (dưới chân núi Cấm) và đến thăm quan đuốc Bác, nên ngày 27/11/2009 Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Quý đã cho chủ trương sửa chữa, nâng cấp đuốc Hồ Chí Minh tại núi Cấm và mở đường lên Đuốc Hồ Chí Minh; với phương châm: “Công trình sẽ được thực hiện bằng việc vận động sự tự nguyện đóng góp công sức, tài lực của các tổ chức, cá nhân, các đối tượng xã hội, hoàn toàn không sử dụng ngân sách Nhà nước địa phương”. Theo đó, đã thành lập Ban chỉ đạo và hai tiểu ban: Tiểu ban Tuyên truyền, vận động, tiếp nhận và Tiểu ban Quản lý điều hành dự án để triển khai thực hiện công trình này.
Vào ngày đầu năm - Xuân Canh Dần 2010, (ngày 02/01/2010), Ban chỉ đạo đã tổ chức Lễ khởi công công trình sửa chữa, nâng cấp đuốc Hồ Chí Minh. Công trình xây dựng đuốc Bác được khái quát thành 05 giai đoạn, với các công việc cụ thể như sau: Một là, Khảo sát, đo đạc, phát quang, mở đường từ chùa Linh Bửu lên đỉnh núi Cấm. Hai là, đổ bê tông xi măng đoạn từ đường vào chùa Linh Bửu đến chân núi, dài khoảng 100m. Ba là, xây các bậc cấp từ chân núi lên đến đỉnh núi Cấm bằng đá chẻ dài khoảng 250m, với 309 bậc cấp. Bốn là, xây dựng đuốc Bác (móng sâu 5m, đuốc cao 19,5m), bệ đặt tượng Bác, lư nhang, tường bao quanh để gắn phù điêu và mở rộng mặt bằng, lót gạch. Năm là, đặt các nghệ nhân ở Đà Nẵng tạt tượng Bác (tượng làm bằng đá trắng, nguyên khối, nặng gần 01 tấn); vận chuyển về Phú Quý và tổ chức lực lượng đưa lên núi Cấm.
Công trình đuốc Bác là một công trình lớn, có ý nghĩa sâu sắc, nằm trên núi cao. Quá trình triển khai xây dựng công trình mặc dù luôn đón nhận được ý thức tự giác tự nguyện; mọi người lao động đều rất nô nức, phấn khởi, nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong khâu vận chuyển vật liệu. Bởi vì, với hàng trăm tấn vật liệu cần phải vận chuyển lên để xây dựng, nhưng chỉ có một con đường vận chuyển duy nhất, đó là bằng đôi bàn tay và sức lực của con người. Trong công tác vận chuyển vật liệu, khó khăn và vất vả nhất là vận chuyển đá chẻ, xi măng và hệ thống đường ống, máy bơm để truyền tải nước. Càng lên cao bao nhiêu thì lại càng gặp vô vàn khó khăn bấy nhiêu, do núi cao, đường dài, điều kiện địa hình vận chuyển lại dốc, lực lượng vận chuyển đa số đều không quen lao động chân tay và chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.
Để giải quyết được các khó khăn trên, trước hết, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần hăng hái, nhiệt tình, lao động nhịp nhàng, đồng bộ của mỗi người tham gia vận chuyển vật liệu. Đối với Tiểu Ban quản lý dự án, đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn rất nhiều kế hoạch, phương án, cách thức vận chuyển, phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của tiểu ban; thành lập các tổ để phụ trách các bộ phận công việc. Trong từng giai đoạn, hạng mục của dự án đều có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Đồng thời, đã huy động, tập hợp được đông đảo lực lượng tham gia vận chuyển vật liệu lên núi như: cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, ban ngành cấp huyện và xã; các chiến sĩ lực lượng vũ trang (Quân sự, công an, Biên phòng, hải quân, Ra đa 55); cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học; đoàn viên, hội viên các tổ chức (Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh); gia đình phật tự chùa Linh Bửu, chùa Thạnh Lâm và các em học sinh Trường THPT Ngô Quyền. Các lực lượng này luân phiên lao động vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trong một thời gian dài để vận chuyển tất cả vật liệu lên xây dựng công trình.
Nhìn chung, quá trình triển khai thực hiện công trình, các tổ chức, cá nhân với tinh thần kính yêu Bác đã hưởng ứng mạnh mẽ và đóng góp rất tích cực; đa số các cơ quan, đơn vị đều ý thức được trách nhiệm của mình, cử lực lượng tham gia đầy đủ và tinh thần lao động hăng hái, nhiệt tình; mỗi người đều phát huy cao tinh thần lao động. Có nhiều đồng chí xem lao động là niềm vui và để rèn luyện sức khoẻ, nên tham gia lao động rất đều đặn và hiệu quả, đạt chất lượng cao. Các đơn vị thi công chủ động, nhiệt tình, luôn trong tình trạng sẵn sàng khi nào vận chuyển có vật liệu thì tiếp tục thi công xây dựng công trình. Tiểu ban quản lý điều hành dự án đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cũng như việc tập kết vật liệu để phục vụ vận chuyển. Qua 20 tháng lao động miệt mài, không ngại khó khăn, gian khổ, công trình đã hoàn thành và được tổ chức khánh thành vào ngày 30/10/2011.
Kết quả đóng góp, xây dựng công trình như sau: Tổng kinh phí các tổ chức, cá nhân đóng góp là: 648 triệu đồng (hiện nay vẫn còn một số tổ chức, cá nhân đang tiếp tục đóng góp). Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1,5 tỷ đồng; trong đó kinh phí mua sắm vật tư và nhân công xây dựng là 600 triệu đồng (còn lại là vật tư của các tổ chức, cá nhân đóng góp và khoảng 8.000 ngày công lao động tự nguyện).
Phát biểu tại buổi Lễ khánh thành. Đồng chí Hà Sông Lô – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, thay mặt Ban Thường vụ Huyện uỷ đã khẳng định: “Quá trình khởi công xây dựng công trình luôn đón nhận được sự đóng góp ủng hộ tích cực, hưởng ứng mạnh mẽ, huy động, tập hợp công sức của đông đảo các lực lượng tham gia vận chuyển vật liệu và sự đồng thuận của các cấp các ngành, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp xã hội. Qua 20 tháng thi công, công trình mở đường đi lên đuốc Bác và sửa chữa, nâng cấp đuốc Hồ Chí Minh trên núi Cấm đã hoàn thành với quy mô bề thế, khang trang và to đẹp hơn.
Tôi nhiệt liệt biểu dương tinh thần đóng góp tích cực của các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã đóng góp được tổng số tiền hơn 600 triệu đồng; nhiệt liệt biểu dương các doanh nghiệp đã ủng hộ vật liệu để xây dựng đuốc Bác; đặc biệt đó là tinh thần lao động cần cù, miệt mài, chịu khó, tích cực, sáng tạo trong gần 02 năm qua với hơn 8.000 ngày công lao động của lực lượng cán bộ, công nhân viên chức, lao động các cơ quan, đơn vị, ban ngành cấp huyện và xã; các cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng, Hải quân 575 và Ra đa 55 Phòng không; cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học; đoàn viên, hội viên các tổ chức Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh; đặc biệt là có sự tham gia tích cực nhiệt tình của các gia đình phật tự chùa Linh Bửu, chùa Thạnh Lâm và các em học sinh Trường THPT Ngô Quyền. Đây là điều rất đáng trân trọng ghi nhận. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, rất chân thành cảm ơn đến các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực bằng công sức, tài, vật cho công trình trong suốt thời gian qua”.
Công trình sửa chữa, nâng cấp và mở đường đi lên Đuốc Hồ Chí Minh tại đỉnh cao núi Cấm đã cơ bản hoàn thiện. Điều đó đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào, đồng chí huyện nhà, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với Bác và là nơi để nhân dân huyện nhà, bạn bè đến thăm và báo công với Bác. Đồng thời khẳng định, đây sẽ là một điểm di tích văn hoá truyền thống đầy ý nghĩa của nhân dân địa phương; công trình đuốc Bác sẽ cùng với khu danh thắng chùa Linh Bửu tạo thành quần thể kiến trúc di tích văn hoá danh thắng thanh tịnh, thân thiện phục vụ và đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần, tâm linh hướng thiện cho tất cả nhân dân địa phương.
Công trình hoàn thành, mỗi người dân đảo Phú Quý có quyền phấn khởi tự hào, vì đã đóng góp công sức của mình để xây dựng được công trình đuốc Hồ Chí Minh ngay giữa biển khơi.
Nhưng vấn đề quan trọng là phải biết phát huy giá trị của công trình. Để công trình thật sự xứng đáng với tầm vóc, đúng với quy mô, ý nghĩa, giá trị phi vật thể, là di tích văn hoá truyền thống của địa phương và luôn đứng vững với thời gian, phục vụ tốt nhu cầu văn hoá tinh thần cho các tầng lớp nhân dân thì đòi hỏi phải có kế hoạch, giải pháp thực thi, tổ chức thực hiện tốt việc bảo tồn, giữ gìn, quản lý, trùng tu, tôn tạo cho công trình ngày càng uy nghi và hàng ngày có người đến thăm viếng, báo công. Đó mới là giá trị đích thực và ý nghĩa to lớn cần hướng đến. Để đạt được mục tiêu đó:
- Trước hết, trách nhiệm này là của tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương và của mỗi người dân trên huyện đảo.
- Phòng Văn hoá Thông tin huyện chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý, bảo tồn, có kế hoạch giữ gìn, tôn tạo, sửa chữa công trình trong thời gian tới. Đồng thời, có kế hoạch quảng bá hình ảnh cảnh quan công trình Đuốc Hồ Chí Minh, quần thể di tích văn hoá truyền thống phục vụ cho việc phát triển du lịch ở địa phương
- Huyện Đoàn chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lực lượng đoàn viên thanh niên thường xuyên thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường thiên nhiên luôn trong lành, xanh sạch đẹp đường lên Đuốc Bác; chăm sóc cây xanh, cây cảnh tươi tốt nơi khuôn viên Đuốc Bác; tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động Đoàn - Hội - Đội, sinh hoạt chính trị, lịch sử truyền thống và báo công dâng Bác tại Đuốc Bác Hồ.
- Phòng Văn hoá Thông tin và Huyện đoàn Thanh niên chủ động, có kế hoạch phối hợp với Ban Chỉ huy đơn vị Hải quân 575, đơn vị trạm Hải Đăng, Trạm viễn thông Viettel trên núi Cấm để cùng thường xuyên quản lý, chăm sóc cây xanh cây cảnh, hương hoa và giữ gìn tốt vệ sinh khuôn viên Đuốc Bác.
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương, Mặt trận, các đoàn thể huyện, đặc biệt là các đơn vị lực lượng vũ trang và tuổi trẻ huyện nhà thông qua các ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương và của cơ quan, đơn vị mình có kế hoạch tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và tuổi trẻ huyện nhà lên dâng hương báo công với Bác.
Công trình mở đường và sửa chữa nâng cấp đuốc Hồ Chí Minh tại núi cấm đã thành công tốt đẹp, chứng tỏ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng Đảng bộ, quân và dân huyện nhà đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bởi vì “Học Bác lòng ta trong sáng hơn”./.
Ngô Tấn Lực