Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua khí tiết bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông; bởi đây là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết là dịp để mọi người Việt Nam cùng hội ngộ, tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội, giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" và thắt chặt mối gắn kết cộng đồng xã hội, tình làng nghĩa xóm... Vì vậy, mọi người trong gia đình, họ tộc, dù đi đâu, ở đâu, làm gì, thì hàng năm, cứ mỗi dịp Xuân về, Tết đến ai ai cũng đều phải cố gắng để về cùng sum họp gia đình, họ tộc, thân bằng quyến thuộc.
Ngày Tết, sau khi thực hiện nghi thức lễ giao thừa đón chào năm mới, dân tộc Việt Nam ta còn có nhiều tục lệ hay, đó chính là thuần phong mỹ tục đặc sắc, đậm đà tính văn hoá dân tộc, mà đến nay vẫn còn lưu giữ, từ thôn quê đến thành thị, từ trẻ tới già ai ai cũng đều biết và trân trọng thực hiện, như: tục khai bút, khai canh, hái lộc, hương lộc, du xuân, chúc tết, chúc thọ, mừng tuổi... Chúng ta đều nhận thấy, sau khi làm lễ giao thừa ở nhà xong, mọi người thường có thói quen đi lễ chùa, cúng Phật, ai ai cũng mong muốn cầu phúc, cầu may, xin Phật, thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình, người thân, dòng tộc luôn được phúc, lộc, thọ, an khang, trường lạc; hy vọng một năm mới luôn mạnh khoẻ, trường an, làm ăn thịnh vượng, tài lộc dồi dào, thành đạt hơn năm cũ.
Sáng Mùng Một Tết, còn gọi là ngày Chính đán, nhân dân ta có tục chúc thọ, mừng tuổi, chúc Tết. Con cháu tập trung đông đủ để lễ Tổ Tiên và trước hết là chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị những phong bao, hiện vật để làm quà mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Năm mới, người người đều vui vẻ đón Xuân mới, lòng phơi phới chứa chan bao hy vọng với những sự may mắn mới; mỗi khi gặp nhau, mọi người đều cầu chúc cho nhau, lời chúc Tết thường là những lời chúc tốt đẹp về sức khoẻ, hạnh phúc gia đình, làm ăn phát tài phát lộc: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh; kiêng kị nói ra những điều xấu, rủi ro, không tốt; bên cạnh đó, những người năm cũ lỡ gặp rủi ro, tai hạn thì có lời chúc phúc, động viên nhau mong cho “tai qua nạn khỏi” hay “của đi thay người”…, nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, cái may, cùng hướng về sự tốt lành, vạn sự như ý. Ngày Tết, ngày đầu năm mới là những ngày Xuân “đất trời hòa hợp”, là những ngày để mọi người nghỉ ngơi và tịnh tâm, chuẩn bị tiếp cho hành trình cuộc sống mới. Năm mới, thêm tuổi mới và với cuộc sống mới mà mọi người, mọi nhà đều mong ước cho được tốt đẹp hơn, hòa hợp yêu thương tình người hơn. Đối với dân tộc Việt Nam ta, không hẳn theo đạo Phật, nhưng tâm linh mọi người luôn hướng về cửa Phật, hướng về với nhân đức, chân, thiện, mỹ. Chúng ta đều nhận thấy, vào Mùng 1 hay ngày rằm hàng tháng, các chùa đều đông người đến làm lễ thắp hương, cúng dường, bái Phật, cầu mong may mắn an lành.
Đối với nhân dân huyện đảo Phú Quý nói riêng, trong dịp Tết đã và đang duy trì thực hiện các tục lệ như: Lễ chùa, đình, đền, miếu, dinh, hái lộc, chúc tết, chúc thọ, mừng tuổi... Những ngày Tết thường là dịp để mọi người cùng nhau đi lễ chùa, cúng Phật đầu Xuân, vừa cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, vừa vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui thái bình.
“Hái lộc đầu Xuân” là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Sau lễ cúng Giao thừa, người người, nhà nhà thường đi lễ chùa ngày đầu năm mới. Lễ Phật xong, có tục hái chút lộc đầu Xuân. “Lộc” là một cành nhỏ cây xanh trước cửa chùa, gọi là “lấy lộc” của trời đất, Phật, thần ban cho mang về đặt lên bàn thờ gia tiên và cầu chúc năm mới gia đình an lành, phúc, lộc. Lộc chỉ đẹp, thiêng liêng, có nhiều ý nghĩa và mang đến cho ta niềm hy vọng, sự yêu đời khi ta biết nâng niu, tâm linh, hướng thiện. Nếu vào sân chùa ta bẻ cả 1 cành cây lớn thì đó không phải là hái lộc (thậm chí có người còn quan niệm cành cây càng to, lộc càng nhiều, đó là suy nghĩ thiển cận, lệch lạc); hoặc như rước 3 thẻ nhang về nhà cũng không phải là "hái lộc" mà có khi còn gây tai nạn cho người chạy xe phía sau. "Lộc" ở đây không phải là những vật thể rõ ràng và dễ chiếm hữu như thế.
Gắn với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Năm Nhăm Thìn, là năm thứ 3 (đối với chùa Linh Sơn, Long Hải) và là năm đầu tiên (đối với chùa Linh Bửu, Ngũ Phụng) huyện đảo Phú Quý tổ chức “Hái lộc đầu Xuân” tại chùa Linh Sơn và chùa Linh Bửu. Ban Hộ tự mỗi chùa đều chuẩn bị khoảng trên dưới một ngàn lộc Xuân. “Lộc” ở đây là những câu chữ được viết ra trên mỗi mảnh giấy với từng nội dung khác nhau, trong đó chứa đựng những lời chúc phúc đầu năm mới, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam, lời dạy của đức Phật từ bi hỉ xả, các câu danh ngôn, ngạn ngữ, lời hay ý đẹp, lời khuyên về cuộc sống tốt lành, hướng thiện...và được gắn vào trong những chiếc lá xanh, bông hoa đỏ vàng và những phong bao hồng điều tượng trưng treo trên cành cây to trước cửa chùa. Đến lễ chùa sáng mùng Một Tết, sau khi thắp nhang, bái Phật, cầu chúc phúc lành đầu năm mới, mỗi người đều phấn khởi hái lấy cho mình một "lộc" may mắn tốt đẹp cho cuộc sống bản thân, gia đình và người thân của mình…
KỲ DANH