Về chủ đề Đại hội cũng là tiêu đề Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Chúng ta nhận thức xác định rõ chủ đề có 5 thành tố cơ bản: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” (chủ đề Đại hội XI là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”); “phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN)” (so với chủ đề Đại hội XI thêm cụm từ “dân chủ XHCN”); “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới” (so với chủ đề Đại hội XI thêm cụm từ “đồng bộ”); “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” (đây là thành tố mới so với chủ đề Đại hội XI); “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nền công nghiệp theo hướng hiện đại” (chủ đề Đại hội XI là “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”).
Về kết cấu, NQ Đại hội XII của Đảng gồm 6 phần: (1) Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện NQ Đại hội XI (2011-2015) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 nêu trong Báo cáo Chính trị, Báo cáo KT-XH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội; (2) Thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội XII; (3) Thông qua Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XI; đồng ý không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng hiện hành; (4) Thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện NQ Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; (5) Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; (6) Giao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện. (NQ Đại hội XI của Đảng có thêm 2 phần: Thông qua dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Thông qua dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020).
Kết cấu Báo cáo chính trị cũng có sự đổi mới, không theo mục như lâu nay mà theo hệ thống các vấn đề để dễ trình bày, dễ theo dõi, dễ hiểu; theo đó, kết cấu Báo cáo chính trị có 15 vấn đề cụ thể: (1) Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện NQ Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016); (2) Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020; (3) Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước; (4) Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN (5) Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực (6) Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (7) Xây dựng, phát triển văn hóa, con người (8) Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (9) Tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (10) Tăng cường QPAN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới (11) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế (12) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (13) Phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; (14) Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; (15) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Về nội dung, nhìn tổng quát thì NQ Đại hội XII kế thừa và tiếp tục khẳng định những tư tưởng cơ bản mà Đảng ta đã xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, NQ Đại hội XI và các NQ của Đảng trong giai đoạn đổi mới hiện nay. NQ Đại hội XII nhận định “tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt”. Nước ta đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nên sẽ “hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn”. Đây là những điểm mới (so với NQ Đại hội XI) khi nhận định về tình hình những năm tới. Từ đó, NQ Đại hội XII xác định mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. So với NQ Đại hội XI, mục tiêu tổng quát trong NQ Đại hội XII bổ sung, nhấn mạnh các thành tố, nhiệm vụ: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, “Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN”. Điểm mới nữa là NQ Đại hội XII tuy vẫn kiên trì mục tiêu “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, nhưng không xác định mốc thời gian “đến năm 2020” như NQ Đại hội XI xác định. NQ Đại hội XII cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được trong nhiệm kỳ như NQ các đại hội trước. Đáng chú ý là các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới đạt 6,5 đến 7%/năm (NQ Đại hội XI là từ 7,0-7,5%/năm); đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD (NQ Đại hội XI: Đến năm 2015 đạt 2.000 USD).
Về nhiệm vụ, NQ Đại hội XII yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực đã nêu trong Báo cáo Chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội. Nghị quyết đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới. Nghị quyết khẳng định nhìn tổng thế, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu quan trọng, trong đó cần tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm 2016 - 2020 (NQ Đại hội XI có 7 nhiệm vụ trọng tâm).
Về các nhiệm vụ trọng tâm, Nghị quyết nêu rõ: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, trên cơ sở quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực đã nêu trong Báo cáo chính trị và Báo cáo KT-XH, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; (2) Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; (3) Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công (4) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế (5) Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (6) Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
So với NQ Đại hội XI, NQ Đại hội XII nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm: Trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong phát triển KT-XH: “Cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, chú trọng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công”. Trong đảm bảo QP-AN và đối ngoại: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”./.