Trên cơ sở Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, Chỉ thị số 51-CT/TW, ngày 04/01/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã chỉ rõ một số điểm mới, đó là: (1) Giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; (2) Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng; (3) Lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu; (4) Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử; (5) Bổ sung tỷ lệ hợp lý đại biểu đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; (6) Phát huy quyền làm chủ của nhân dân không chỉ trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà còn trong công tác bầu cử.
So với Luật bổ sung, sửa đổi năm 2010, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 có những điểm mới được bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tình hình mới, như: (1) Quy định quyền quyết định Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội - thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây (Khoản 1, Điều 4 của Luật). Ngày bầu cử Quốc hội phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất trước 115 ngày - thay vì 105 ngày như trước đây (Điều 5 của Luật). Việc tăng thêm 10 ngày tạo điều kiện về thời gian để chuẩn bị và tiến hành các trình tự bầu cử được thuận lợi hơn, nhất là bảo đảm các bước trong quy trình hiệp thương được tốt hơn; (2) Quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18 % tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35 % tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Khoản 2 và 3, Điều 8 của Luật). Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, tại Khoản 2, Điều 9 nêu rõ: Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương; (3) Hội đồng bầu cử Quốc gia do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; (4) Những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc (Khoản 5, Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015).
Đồng thời, trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân lần này cũng thể hiện những điểm mới, đó là: những điều chỉnh, bổ sung cụ thể về bộ máy thực hiện công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương; quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo….