Những năm qua (từ năm 2011), được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh về triển khai thực hiện dự án kè chống xói lở, nước biển dâng, ổn định bờ biển huyện đảo Phú Quý; đến nay, công trình kè chống biển xâm thực (giai đoạn 1) đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng; đang tiếp tục triển khai thi công giai đoạn 2. Được biết, công trình kè chống xói lở, bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư gần 400.000 triệu đồng (theo dự toán năm 2011), gồm các gói: 02 tuyến đê Tây (148,9m) và đê Đông (948,8m) và các công trình phụ trợ thuộc khu vực bảo vệ bờ biển đoạn Đồn Biên Phòng 464 cũ. Và 04 đoạn kè bảo vệ bờ biển (tổng chiều dài 2.532,99m), gồm: kè biển đoạn Khu dân cư Hội An, xã Tam Thanh (dài 397,53m) và đoạn từ kè Bãi Lăng đến Chùa Thạnh Lâm, xã Ngũ Phụng (dài 980m). Kè bảo vệ bờ biển đoạn Lạch Ông Bền, thôn Triều Dương, xã Tam Thanh (dài 264,09m) và đoạn từ Chùa Thạnh Lâm đến trước UBND huyện (dài 891,37m). Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, việc triển khai thi công các đoạn kè này vẫn chưa thực hiện, tiến độ thi công rất chậm, nhân dân vô cùng bức xúc, thường xuyên kiến nghị, phản ánh chính quyền các cấp địa phương.
Theo ông Đỗ Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phụng cho biết, thực tế nhân dân thường xuyên kiến nghị, phản ánh là chính đáng, đúng tâm tư, nguyện vọng; địa phương nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận và kịp thời tổng hợp báo cáo về trên. Ông Trường cho biết thêm, một số hộ dân (như hộ ông Nguyễn Lo, Nguyễn Điền, Trần Ngọc Trung, Tiêu Văn Thanh, Nguyễn Văn Khá.... thôn Quý Thạnh, Ngũ Phụng) nằm dọc tuyến “trọng yếu” này, thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ biển lở, nhất là những lúc triều cường, sóng lớn mùa gió Tây Nam; đồng thời, mỗi khi thủy triều lên hầu như các hộ này đều bị “cô lập”, không có lối đi, vì từ trước đến nay đều sử dụng bờ biển để đi lại. Còn theo ông Đoàn Nuôi, thôn trưởng thôn Quý Thạnh cho biết: “... thấy tình cảnh những hộ dân thường xuyên đối mặt với tình trạng sóng lớn, gió biển thổi mạnh, kéo cuốn nhà cửa, gây sạt lở đất... mà thấy thương, nhưng biết làm sao được ! Thôn cùng các đoàn thể thường xuyên vận động các hộ dân nơi này nên di đời, tái định cư để bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống, nhưng khổ nổi “họ” đều không có điều kiện để xây dựng mới nhà cửa...”
Thiết nghỉ, đây là công trình trọng điểm, bức xúc, nếu không được xây dựng kịp thời, đồng bộ thì triều cường và sóng biển sẽ tiếp tục xâm thực, tàn phá, gây thiệt hại lớn đến đời sống nhân dân; vì theo quy luật tất yếu của tự nhiên, những nơi được xây kè sẽ được bồi đắp và các đoạn còn lại chưa được kè sẽ bị biển xâm thực mạnh hơn.