Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do tính chất, điều kiện đặc thù riêng, đảo Phú Quý của chúng ta là một “vùng trắng”, không có cơ sở cách mạng, xa sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng nhân dân trên đảo vẫn một lòng, một dạ hướng về cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Đối với nhân dân đảo Phú Quý, ngày 27/4/1975 là một ngày lịch sử không thể nào quên; kể từ ngày đó, bộ máy kìm kẹp của địch bị xóa bỏ, nhân dân trên đảo thực sự được sống trong độc lập, tự do và chung tay cùng nhau xây dựng cuộc sống mới trên quê hương biển đảo thân yêu của mình.
Trong những năm đầu mới giải phóng, do hậu quả, tồn tại xã hội của chế độ cũ để lại; đồng thời đảo Phú Quý lại nằm xa cách đất liền, nền kinh tế ở trên đảo hết sức nghèo nàn, lạc hậu, khép kín, mang nặng tính tự cung, tự cấp. Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể lúc này còn non trẻ, thiếu và yếu. Hệ thống kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội yếu kém, hầu như chưa có gì. Văn hóa, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác còn rất nhiều hạn chế; đời sống người dân trên đảo bấy giờ còn rất khó khăn, thiếu thốn…
Qua 40 năm giải phóng (27/4/1975) và 38 năm từ ngày thành lập huyện (15/12/1977), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự đồng thuận của toàn dân, sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương và của Tỉnh, huyện đảo Phú Quý đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa cách mạng sâu sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Truyền thống đại đoàn kết, thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân được phát huy đẩy mạnh, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trên đảo ngày một cải thiện nâng cao…Trong đó, nổi bật là nền kinh tế của huyện đi dần vào thế ổn định và không ngừng phát triển theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế nội huyện tăng bình quân hàng năm trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (46%) và dịch vụ (23,7%), giảm nhóm ngành ngư - lâm - nông nghiệp (30,3%). Kinh tế biển được xác định vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện và được tập trung đầu tư phát triển nhanh, mạnh, bền vững, cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, sản xuất chế biến và nuôi trồng. Năng lực tàu thuyền hiện có 1.187 chiếc/89.328CV/6.071 lao động; trong đó, phát triển thuyền công suất trên 90CV được 195 chiếc/70.436CV, thuyền dịch vụ thu mua, chế biến hải sản 89 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại bình quân hàng năm đạt trên 23 ngàn tấn; năm 2014 đạt trên 24,5 ngàn tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2005 và tăng gấp 12 lần so giai đoạn 1977 - 1978. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, như: hạ tầng công sở, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà máy nước, thiết chế văn hóa, bến cảng, các tuyến đường đôi, đường vành đai, đường liên xã, kè chống biển xâm thực, chống xói lở, khu neo đậu tàu thuyền phòng trú bão, trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và hệ thống phong điện… với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Hoạt động giao thông đường bộ, đường biển, thương mại dịch vụ, cung ứng điện năng, thông tin liên lạc phục vụ cho nhu cầu đời sống sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất kinh doanh của nhân dân được phát triển mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển nhanh chóng, hiện có tổng số trên 3.000 thuê bao điện thoại, bình quân đạt 11,34 máy/100 dân; 650 thuê bao Internet. Bên cạnh đó, nhà máy điện được đầu tư nâng cấp, duy trì hoạt động ổn định, kịp thời thực hiện phát điện 24/24 giờ và giảm giá điện theo khung giá chung mà Chính phủ quy định…
Công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, đối tượng xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hoạt động bảo trợ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội và công tác hậu phương quân đội gắn với các phong thào thi đua yêu nước… luôn được các cấp, ngành địa phương quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Năm 2000, toàn huyện có 216 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 3,27%; đến nay tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 76 hộ/237 khẩu, chiếm 1,26% (theo tiêu chí mới). Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao từng bước được xã hội hóa, chú trọng phát triển nâng dần chất lượng hoạt động. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và 6 tuổi vào lớp một luôn đạt 100%; vào lớp 6 đạt trên 99 đến 100%. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả đề án phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, duy trì giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Đa số cán bộ, công chức trong huyện đạt chuẩn trình độ theo quy định; trong đó đội ngũ giáo viên các cấp, bậc học hầu hết đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường, dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng. Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững; trật tự xã hội trên một số mặt có nhiều tiến bộ; phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh. Hệ thống chính trị từ huyện đến địa bàn cơ sở thường xuyên được củng cố tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động; công tác củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Đảng vững về chính trị, tư tưởng và tổ chức, quán triệt thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); phê bình và tự hê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) đạt nhiều kết quả. Toàn Đảng bộ huyện hiện có 16 chi, đảng bộ cơ sở (với 55 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) và trên 900/379 nữ đảng viên; tăng hơn 270 đảng viên so đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015 và tăng gần 850 đảng viên so giai đoạn những năm đầu sau giải phóng đảo (1978-1979). Phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được thường xuyên phát động triển khai, nhất là phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” được tập trung lãnh đạo thực hiện. Năm 2014, huyện đã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới xã Tam Thanh; có 84 tuyến/ trên 12.000 mét đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, với tổng kinh phí gần 11.500 triệu đồng theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và góp phần tôn tạo bộ mặt nông thôn huyện đảo theo hướng đô thị hóa... Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của các tập thể và cá nhân trên các lĩnh vực đời sống xã hội được ghi nhận, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng…
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng đảo Phú Quý là dịp để Đảng bộ và nhân dân trong huyện cùng nhau ôn lại quá trình chung tay xây dựng và phát triển địa phương; đồng thời, nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại để từ đó cùng siết chặt hơn nữa khối đoàn kết thống nhất tư tưởng và hành động, nêu cao truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, ra sức tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ IX, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng; lập thành tích thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; quyết tâm xây dựng quê hương huyện đảo Phú Quý ngày càng phát triển bền vững, văn minh, thân thiện, nghĩa tình; nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc.