Đồng thời, cụ thể hóa thực hiện Kế hoạch số 67-KH/TU, ngày 09/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội và theo Công văn số 929-CV/BTGTU, ngày 5/6/2013 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn thực hiện Kế hoạch số 67-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc tăng cường cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội trong Đảng bộ địa phương; theo đó quy định rõ đối tượng được cung cấp thông tin; nội dung, hình thức, cơ quan chủ trì, tham mưu, thời gian thực hiện việc cung cấp thông tin cho các đối tượng và chỉ đạo việc duy trì tổ chức phổ biến, thông tin đến cán bộ, đảng viên các chi, đảng bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; hướng dẫn về công tác định hướng dư luận xã hội trên địa bàn, cụ thể như về nội dung, hình thức, cơ quan chủ trì trong việc tập hợp tin, bài trên báo chí, giao ban và công tác điều tra dư luận xã hội. Bên cạnh đó, trên cơ sở Kế hoạch số 90-KH/TU, ngày 29/10/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2013 - 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trong Đảng bộ huyện; trong đó, nêu rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, số lượng, thời gian, địa điểm và nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; đồng thời phân công, chỉ đạo rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Nhìn chung, qua 02 năm triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội trên địa bàn huyện đạt một số kết quả bước đầu. Công tác củng cố, kiện toàn Tổ cộng tác viên dư luận xã hội của huyện và cơ sở, gắn với xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tổ dư luận xã hội của huyện hiện 15 đồng chí, do đồng chí UVTV - Trưởng Ban Tuyên giáo làm Tổ trưởng. Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cơ sở có tổng số 47 đồng chí (Tam Thanh 17, Ngũ Phụng 15, Long Hải 13 đồng chí); lực lượng tuyên truyền viên cơ sở có 104 người (Tam Thanh 40, Ngũ Phụng 30 và Long Hải 34). Cộng tác viên dư luận xã hội các cấp được phân công nhiệm vụ hoạt động cụ thể theo từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Bộ phận thường trực (Ban Tuyên giáo Huyện ủy) 03 đồng chí, có nhiệm vụ tiếp nhận, nắm bắt, tổng hợp, phân loại, đề xuất, định hướng xử lý thông tin, dư luận xã hội. Việc cấp thẻ Cộng tác viên Tổ dư luận xã hội của huyện được triển khai thực hiện kịp thời theo Hướng dẫn số 82-HD/BTGTU, ngày 16/7/2013 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp và tuyên truyền viên cơ sở luôn được cấp ủy địa phương quan tâm. Qua tập huấn, bồi dưỡng, các đối tượng được cập nhật, tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là nắm sâu, kỹ hơn một số nội dung chuyên đề: Về chức năng, nhiệm vụ của Ban tuyên giáo các cấp; các kiến thức lý luận cơ bản về dư luận xã hội; các phương pháp nắm bắt dư luận xã hội và và xử lý điểm nóng; công tác tham mưu tổ chức điều tra, nắm bắt, xử lý và định hướng dư luận xã hội; công tác tuyên truyền miệng và một số kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền... góp phần không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động công tác Tuyên giáo trong tình hình mới, nhất là công tác tuyên truyền miệng, phương pháp nắm bắt, xử lý và định hướng dư luận xã hội, thực hiện tốt, kịp thời chức năng tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo trong các lĩnh vực công tác Tuyên giáo ở địa phương, đơn vị.
Qua thực tiễn hoạt động, các thành viên Tổ dư luận xã hội của huyện và cơ sở cơ bản nhận thức và thực hiện có kết quả nội dung, phương thức nắm bắt, xử lý và phản hồi thông tin, dư luận xã hội trên địa bàn, lĩnh vực hoạt động; duy trì thực hiện sinh hoạt, giao ban dư luận xã hội theo quy chế hoạt động. Điều kiện thuận lợi là địa bàn địa phương không rộng, tình hình tư tưởng, chính trị, văn hóa, trật tự xã hội luôn giữ vững ổn định; mọi diễn biến thông tin, dư luận xã hội luôn được nhanh chóng cập nhật, phản ánh, nắm bắt kịp thời. Đáng ghi nhận, thời gian qua, thông qua hoạt động nắm bắt thông tin, dư luận xã hội và sinh hoạt giao ban, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, xử lý một số trường hợp liên quan, gây tâm lý hoang mang, bất an trong nhân dân địa phương, góp phần ổn định dư luận xã hội (một số vụ việc cụ thể, như: kịp thời thông tin, tuyên truyền, giải thích rõ về tin đồn “Ngày tận thế” (21/12/2012); thông tin, tuyên truyền, chấn chỉnh kịp thời về tin đồn cho rằng “các loại mệnh giá tờ tiền VNĐ nếu có 3 số sêri cuối giống nhau thì sẽ đổi được số tiền có mệnh gia lớn hơn” (!?) hoặc chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời về việc một số bà con nhân dân mê tín, cả tin rủ nhau đi vào đất liền (xã Bàu Hàm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) chữa bệnh bằng phương pháp “lạ”, phản khoa học, làm tiền mất, tật mang (vào tháng 2 và 3/2014). Tháng 10/2014 vừa qua, Ban Tuyên giáo kịp thời tổng hợp báo cáo, tham mưu cấp ủy chỉ đạo, triển khai các cấp ngành chức năng liên quan xem xét, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm một số vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, phản ánh (như về công tác xét tuyển công chức, viên chức không công khai minh bạch, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; về tình hình an ninh, trật tư, tệ nạn xã hội; vấn đề tắc trách, gây khó khăn trong giao thông đường thủy; vấn đề vệ sinh môi trường; hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng...). Ngoài ra, cấp ủy cũng đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu, định hướng thông tin, tuyên truyền rộng rãi về tình hình quốc tế, trong nước và trong tỉnh có liên quan đế dư luậ xã hội theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Qua củng cố, kiện toàn, đến nay đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội của huyện và cơ sở từng bước có chuyển biến tích cực; chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật phát ngôn, giữ gìn bí mật của Đảng và Nhà nước. Kịp thời nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, chính sách lớn của huyện; những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc; tình hình dân tộc, tôn giáo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội quan trọng của huyện, của tỉnh, trong nước và quốc tế tác động đến đời sống và tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Kịp thời phát hiện các chiều hướng dư luận xã hội lệch lạc, dư luận tiêu cực, đề xuất các biện pháp uốn nắn và đấu tranh kiên quyết với các dư luận sai trái nhằm đảm bảo tư tưởng tiến bộ, tích cực trong nội bộ Đảng và nhân dân. Trong quá trình hoạt động, các thành viên dư luận xã hội thường xuyên kịp thời liên hệ, phản ánh và đề xuất, kiến nghị với Bộ phận thường trực. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin phản ánh.
Việc thực hiện chế độ, chính sách, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác dư luận xã hội các cấp từng bước được các cấp ủy quan tâm. Các thành viên tham gia làm công tác nắm bắt dư luận xã hội có những quyền hạn và lợi ích như: được cấp Tập Thông tin Công tác Tuyên giáo (của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành) và các tài liệu nghiệp vụ khác; được tham dự học tập, tập huấn các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ và các chuyên đề liên quan; được tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo Ban Tuyên giáo, các ban, ngành, đoàn thể của huyện để thống nhất nội dung định hướng dư luận, yêu cầu nắm bắt dư luận. Được cung cấp thông tin về tình hình trong Đảng, trong nước, quốc tế; được dự các cuộc họp của cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể theo trách nhiệm được phân công khi có sự thống nhất của cơ quan và người chủ trì; được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích hoạt động; được tạo điều kiện về thời gian để tham gia hoạt động cộng tác viên dư luận xã hội…
Tuy nhiên, hoạt động của cộng tác viên dư luận xã hội các cấp đều kiêm nhiệm, thường do áp lực về thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn nên chưa đầu tư chuyên sâu và quan tâm nhiều đến lĩnh vực hoạt động dư luận xã hội; việc duy trì sinh hoạt, giao ban, thông tin, báo cáo có lúc chưa kịp thời, thường xuyên; việc xác định về mục đích, ý nghĩa, lợi ích, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, địa phương, đơn vị đôi khi chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức...