Bên cạnh đó, nguồn hải sản vô cùng tươi ngon, phong phú với nhiều loại đặc sản như Hải Sâm, cua Huỳnh Đế, cua Mặt Trăng, mực Ghim, cá Mú, cá Mặt Quỷ,… đã phần nào khẳng định được những lợi thế cạnh tranh mà du lịch Phú Quý có được. Từ đó, những năm qua, Phú Quý dần khẳng định hình ảnh trên bản đồ du lịch của tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập của nhân dân địa phương. Song, chặng đường du lịch non trẻ của Phú Quý thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, bên cạnh những tiềm năng vốn có.
Tiềm năng từ thiên nhiên và văn hóa miền biển
Được bao bọc bởi biển Đông, thiên nhiên ưu đãi cho Phú Quý những dải cát vàng và những eo vịnh tuyệt đẹp không thua kém bất kỳ một huyện đảo nào trong cả nước. Làng nước trong xanh, dải san hô nhiều màu sắc và hệ động thực vật biển đa dạng tạo một nét nổi bật không xen lẫn để con người hòa mình vào thiên nhiên, đất trời mênh mông của biển, đảo. Với diện tích tự nhiên hơn 17km vuông, việc khám phá các điểm đến cả trên bờ dưới biển chỉ mất khoảng 2 ngày là điều kiện rất thích hợp cho tổ chức tour ngắn ngày với giá thành vô cùng rẻ. Còn gì thích thú bằng khi các ngày cuối tuần được đắm mình trong nắng, trong gió và vị mặn chát trong lành của biển, khí hậu vùng nhiệt đới, bên cạnh việc thưởng thức những loại đặc sản từ ngư dân vào bờ mỗi sáng, hoặc sự lựa chọn từ các lồng bè nuôi hải sản.
Thiên nhiên là thế, yếu tố con người cũng là điều kiện tiên quyết để du lịch một địa phương vươn lên phát triển. Và ở đó, từ lâu, người dân Phú Quý luôn được du khách đến đánh giá cao là hiền lành, chất phát, thật thà và mến khách; đó cũng là một nét văn hóa còn giữ được của ngư dân vùng biển dù trong điều kiện kinh tế thị trường ngày nay ít nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, có lẽ hiện nay, không nhiều địa phương có nhiều sự đa dạng về ngôn ngữ (tiếng lóng) như Phú Quý; trong cùng một địa bàn, cách dùng từ địa phương đã khác và gây nhiều bỡ ngỡ cho bất cứ ai từng một lần tiếp xúc; đây cũng là cái hay, cái đẹp mà nếu những người nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ dân gian chắc cũng phải cảm thấy thích thú, riêng bản thân người viết thì điều này thật kỳ lạ.
Từ sau Đại hội lần thứ VIII (2005 - 2010), Phú Quý được sự quan tâm hỗ trợ lớn của Trung ương và tỉnh đã từng bước cải thiện cả về chất lẫn về lượng đối với ngành du lịch còn rất non trẻ, thu hút một lượng lớn du khách từ đất liền đến đảo, trong đó có cả du khách nước ngoài tìm đến. Tình trạng cháy phòng trong các dịp nghỉ lễ thường xuyên xảy ra, cùng với đó là việc quả tải của các chuyến tàu chở khách đã phần nào phản ánh được những lợi thế của địa phương mà ngành du lịch cần để phát triển. Trong xu thế hội nhập và trong hoàn cảnh cả nước hướng về biển đảo thì Phú Quý đang tích cực đưa những lợi thế của mình lên một tầm cao mới, hòa chung xu thế du lịch Bình Thuận trong những năm tiếp theo.
Thách thức để vượt qua và khẳng định
Tiềm năng là thế, song Phú Quý có vị trí địa lý không thật sự thuận lợi so với những huyện đảo khác trong cả nước, thời tiết từng mùa thay đổi và thường có gió mạnh trong khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau nên ảnh hưởng rất lớn đến giao thương đi lại giữa người dân trên đảo với đất liền.
Với những yếu tố mang tính khách quan khó khắc phục thì du lịch Phú Quý muốn vươn tầm đi lên, bắt kịp với du lịch của các địa phương trong tỉnh phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Đối với những ai đã từng một lần đến Phú Quý, chắc hẳn sẽ cùng chung cảm nhận sự khó khăn của tuyến đường biển duy nhất cho hành trình từ đất liền đến đảo. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào thủy triều tại cảng ra vào Phan Thiết cũng đang ít nhiều gây trở ngại cho hành trình đến với Phú Quý, nhất là việc không thể chủ động về thời gian để khởi hành. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lịch trình đi lại của du khách.
Tiềm năng và lợi thế, hai phạm trù song hành để du lịch Phú Quý từng bước phát huy cũng như khắc phục khó khăn tạo tiền đề khẳng định mình trong việc đưa du lịch phát triển. Sự quan tâm, tạo điều kiện cùng chiến lược biển đảo được Trung ương, tỉnh quan tâm, Phú Quý đang từng bước phát triển bền vững cả về hạ tầng kinh tế, an sinh xã hội, để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, liên kết tổ chức tour… Mong rằng, Phú Quý sẽ ngày càng gần hơn với đất liền, đẹp hơn trong mắt du khách và vững bền hơn trong bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Du lịch Phú Quý sẽ xứng tầm và vững chắc trên bản đồ du lịch của cả nước trong thời gian đến.