Xét về góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ “tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của đất trời, tạo hóa, biểu hiện sự chu chuyển tuần hoàn các mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta. Theo tín ngưỡng dân gian, từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả, như: trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.
Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi người, mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi “năm hết, Tết đến” dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong “ba ngày Tết”, được thắp hương tưởng nhớ, tri ân dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại tất cả mọi cảnh vật thân quen ngày nào, với đầy ắp bao kỷ niệm thủa xưa ập về… “Về quê ăn Tết”, cụm từ không chỉ là khái niệm đi về, mà ẩn sâu là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết là ngày đoàn tụ, đoàn viên, gắn kết mối quan hệ họ hàng, làng xóm ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung của cộng đồng, xã hội. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho tất cả mọi người.
Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, địa phương đều có kế hoạch cho ngày hội đặc biệt này. Rõ nét nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp khẩn trương những ngày trước đó, từ việc mua sắm, may mặc đến việc dọn dẹp vệ sinh, trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Theo tập tục, đến ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn Ông Táo về Trời tâu việc trần gian thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Ngày xưa, dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghỉ lễ từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày khai hạ (từ 7 tháng Giêng). Ngày nay, trong thời kỳ hiện đại, việc tổ chức nghỉ Tết, vui Tết được quy định hợp lý, khoa học hơn, vừa văn minh, lịch sự, không lãng phí thời gian, phù hợp nếp sống công nghiệp, vừa bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc và ý nghĩa nhân sinh của ngày Tết thì không có gì thay đổi. Đó cũng là nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian cần được giữ gìn và phát huy.