Nghề chủ yếu ở nơi đây là bám biển và làm rẫy. Những người đàn ông quanh năm chống trả với sóng biển để mưu sinh, những người phụ nữ thì cần cù chịu khó và có lòng thương yêu con người. Họ tìm tòi mọi thứ để có ngày hôm nay no ấm từ những cực khổ trước kia; từ tự cung tự cấp bây giờ họ có thể trao đổi mua bán có đồng ra đồng vào; làm bánh tráng mì là một trong những nghề phụ mà người dân nơi đây (chủ yếu là người dân xã Ngũ Phụng) yêu thích và có tự bao giờ. Đến hẹn lại lên, từ lúc tôi mới vừa đủ lớn để biết được vài thứ thì nghề làm bánh tráng mì thủ công đã có trong tâm thức của tôi. Vào độ khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm là nhà nhà, người người bắt đầu không ai bảo ai, người này đan lại những cái vỉ lưới, người kia thu hoạch mì, qua nhiều công đoạn thủ công: đào mì, lột củ mì, ngâm thật mềm và xay thành bột, lúc đầu bột mì có màu hơi vàng nhưng với tay nghề sẵn có và thêm vào đó sự chịu khó của những người dân nơi đây; từng ngày thay nước, lọc bột rồi thay nước, mỗi ngày công việc thay nước ít nhất 5 lần, khoảng 2 đến 3 ngày thì bột trắng tinh. Cách đây khoảng chục năm thì họ chỉ xây bột rồi tráng nhưng vài năm gần đây qua tiếp xúc, trao đổi hàng hóa với người đât liền họ đã có những kinh nghiệm và có sự thay đổi, tráng bánh mì bỏ thêm mè vào bột, lại có loại bánh tráng mì dừa, lá dứa, bánh tráng mì đường...
Nhắc đến người dân sống trên hòn đảo này là phải nói đến tính hiếu khách, nhất là những khách đất liền có dịp về Phú Quý, tuy không quen biết nhưng nếu tìm không được người quen thì người dân nơi đây cũng sẵn sàng giúp đỡ như mời ăn bữa cơm đạm bạt, ngủ tạm qua đêm mà không có một chút nghi ngờ hay cảnh giác như người dân đất liền. Đó là đối với những người khách xa lạ còn hàng xóm láng giềng thì sao? Không có gì có thể diễn tả hết được sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương đùm bọc, nhà này có đám nhà kia sang giúp và ngược lại; cảm nhận của tôi về những người dân Phú Quý như đều là ruột thịt, không phải vì một vài cái bánh tráng họ biếu mà tôi ca ngợi mà đó là cả tấm lòng và sự trao nhận tình cảm lẫn nhau.
Vào mùa này, tháng 2 âm lịch xung quanh nhà tôi khói nghi ngút từ những cái bếp tự chế để tráng bánh, từ lúc tờ mờ sáng họ đã tráng bánh đến khi hanh hanh nắng là bắt đầu công việc phơi, bình quân mỗi ngày tráng được khoảng 1.000 cái, tối đến là bắt gặp những tiếng lách cách nghe vui tai của những người gỡ bánh từ những tấm lưới để chuẩn bị cho ngày tráng kế tiếp. Đặc biệt bánh tráng họ làm ra không bán mà chỉ để ăn và làm quà biếu người thân, họ hàng xa quê.
Mọi ngày vào lúc sáng sớm mỗi khi thức dậy mùi bánh tráng thoang thoảng quanh tôi làm quyến rũ không sao cưỡng nổi mặc dù tôi đã ăn cả tuần rồi, đó là món bánh tráng ướt làm từ bột mì tươi với sự chuẩn bị thêm nồi cá kho, tô hành mỡ, rổ rau sống tươi ngon là hết ý. Không những củ mì làm ra những cái bánh tráng mà củ mì được người dân Phú Quý làm thành những loại bánh khác như: bánh ít bột mì nhân đỗ dừa, bánh chuối bột mì, bánh rế…thật đa dạng và ăn một lần là nhớ mãi.
Tâm hồn và tình cảm của những người dân nơi đây gởi gấm tất cả vào lời của bài thơ sau:
Nhìn củ mì tươi xù xì đất cát
Nhưng làm mát cả lòng người dân
Bánh tráng mì làm nên bữa đói
Cả nhà vui sum họp dài dài
Ai xa quê cũng nhớ tráng mì
Ai về dùng bữa tráng mì tươi
Ôi vị ngọt của mì nhớ mãi
Bánh chuối mì, bánh rế… yêu thương
Tháng hai mùi mì nồng nặc đến
Thành phẩm rồi hương vị quê nhà
Làm quà biếu người thân yêu nhất
Gởi tấm lòng Phú Quý mến thương
Ai xa quê hãy nhớ ghé về
Hòn đảo nhỏ mỗi ngày mong đợi
Mì ơi, thu hoạch đong đầy mãi
Để người dân lại phải tráng (bánh) mì.
Huỳnh Vứng