Đề án 938 nhằm nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, hỗ trợ cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình; mỗi địa bàn cấp xã xây dựng ít nhất 1 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên có thể nhân rộng.
Đối với Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tổ chức ngày “Phụ nữ khởi nghiệp” và các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm, kết nối thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan.
Chủ trì Hội nghị đồng chí Ngô Tấn Lực – Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, UBND các xã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện hai đề án cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa phương, lựa chọn cách làm hợp lý đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Hội LHPN huyện chủ động phối với UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, hướng dẫn thực hiện đề án xuống tới cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Hàng năm, các địa phương cần sơ kết, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai đề án, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả.