Công nhận 4 xã đảo thuộc tỉnh Bình Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 202/QĐ-TTg, ngày 01/02/2016 về việc công nhận 4 xã gồm: Xã Tam Thanh, xã Ngũ Phụng, xã Long Hải thuộc huyện đảo Phú Quý và xã Phước Thể thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là xã đảo.

Các xã đảo nêu trên được thực hiện chính sách ưu đãi đối với xã đảo theo quy định hiện hành.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận xã đảo phải đáp ứng đủ 2 tiêu chí: (1)- Có diện tích tự nhiên là đảo theo quy định tại Điều 19 Luật biển Việt Nam năm 2012; (2)- Có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo. Đồng thời, đơn vị hành chính cấp xã được công nhận là xã đảo phải có 1 trong 3 điều kiện sau: (1)- Là đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện đã được công nhận là huyện đảo; (2)- Có toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã ở trên đảo; (3)- Có một phần diện tích tự nhiên là đảo ở trên biển (xã có đảo ở trên biển) và trên đảo có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân.

Các xã đảo được công nhận theo quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có xã đảo căn cứ Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 để xây dựng Dự án phát triển kinh tế - xã hội của xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và ngân sách của địa phương; đồng thời được thực hiện các chính sách ưu đãi liên quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với xã đảo.

Nội dung Quyết định số 568/QĐ-TTg, ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến 2020 với một trong những mục tiêu là tập trung xây dựng một số đảo có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhiều tiềm năng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế cả nước, đồng thời làm đầu mối quan trọng để gắn kinh tế đảo với kinh tế biển, ven biển và vùng nội địa và giao lưu kinh tế quốc tế; đồng thời tạo sự chuyển biến căn bản và vững chắc trong cơ cấu kinh tế đảo, hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản…để kinh tế đảo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-15%/năm thời kỳ 2010-2020, trong đó du lịch - dịch vụ tăng trên 20%/năm, nâng mức đóng góp của kinh tế đảo trong kinh tế cả nước từ 0,2% hiện nay lên khoảng 0,5% vào năm 2020.

Cũng theo Quyết định này, định hướng phát triển kinh tế đảo đến 2020 là xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư và khuyến khích dân ra định cư lâu dài trên các đảo, phát triển một số ngành chủ lực, có lợi thế như hải sản, du lịch, dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các thành phần kinh tế, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của kinh tế đảo trong thời gian tới. Tập trung xây dựng một số đảo trọng điểm về kinh tế như đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cụm đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), trước mắt là phát triển du lịch tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế biển, đảo trong thời gian tới thành các đảo có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các đảo phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh là cụm đảo Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), cụm đảo Cát Bà - Cát Hải (Hải Phòng), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nâng cấp và xây dựng mới các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá tại một số đảo gần các ngư trường lớn như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Thổ Chu, Trường Sa…

Định hướng phát triển một số đảo, cụm đảo trọng điểm đến năm 2020 theo Quyết định số 568/QĐ-TTg, ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, thì huyện đảo Phú Quý nằm trong mục tiêu các đảo trọng điểm “phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh”; theo đó:

Phát triển đảo Phú Quý là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu nạn, cứu hộ của khu vực Nam Trung Bộ, là căn cứ tiền đồn vững chắc để bảo vệ vùng biển Nam Trung Bộ, đồng thời là điểm trung chuyển quan trọng giữa đất liền với quần đảo Tr­ường Sa.

Phát triển các đội tàu công suất lớn (trên 300 CV), trang bị đồng bộ và từng bước hiện đại để vươn ra khai thác ngư trường xa bờ, đồng thời bảo đảm sự hoạt động thường xuyên trên Biển Đông, kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo phục vụ các tàu thuyền khai thác trong khu vực. Từng bước xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, bảo quản, chế biến và đầu mối thương mại hải sản lớn của vùng Nam Trung Bộ và cả nước.

 Tập trung phát triển công nghiệp sản xuất điện, nước và công nghiệp chế biến thuỷ sản, trong đó ưu tiên phát triển các trạm điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời... Mở rộng công suất trạm diezel hiện có, xây dựng thêm 3 trạm phát mới với tổng công suất 10.000 KW. Tăng quy mô khai thác và sản xuất nước sạch, trữ nước mưa, đồng thời nghiên cứu áp dụng công nghệ ngọt hoá nước biển phục vụ chế biến hải sản. Nâng cấp và hiện đại hoá các cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu. Phát triển công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền tại khu vực cảng Triều Dương và Tam Thanh theo hướng cơ giới hoá, hiện đại hoá, bảo đảm nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng các tàu cá lớn trong khu vực.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch trên đảo. Hình thành các điểm du lịch tại khu vực Nam Mũi Doi Dừa, Tây Hòn Tranh, Mộ Thầy, Lạch Dù, Bãi Phủ, Gành Hang... Xây dựng khu bảo tồn biển đảo Phú Quý để bảo vệ hệ sinh thái biển và kết hợp phát triển du lịch. Liên kết mở các tuyến du lịch kết nối đảo với các khu du lịch của tỉnh Bình Thuận và các địa phương lân cận khác, nhất là các thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang.

Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trên đảo, bảo đảm kết nối thuận tiện với bên ngoài. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn II cảng Triều Dương bảo đảm tiếp nhận tàu trên 1.000 tấn. Tiếp tục nâng cấp bến cá Long Hải kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, có thể tiếp nhận nhiều tàu và tàu có công suất lớn. Nâng cấp và xây dựng các tuyến đường quan trọng như: đường trục Đông - Tây, đường quanh đảo, đường vành đai ven biển, các tuyến trục chính khu trung tâm và đường đến các cảng biển, các cụm kinh tế... Nghiên cứu xây dựng sân bay Phú Quý dành cho các loại máy bay hạng nhẹ...vừa phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ vừa phục vụ quốc phòng an ninh.

Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng quốc phòng an ninh. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình phòng thủ trên đảo, nhất là các công trình trọng điểm. Xây dựng đồng bộ đáp ứng yêu cầu tiếp tế, trung chuyển cho quần đảo Trường Sa trong mọi tình huống.


Các tin khác