Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Thường trực Huyện ủy; lãnh đạo Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; các đồng chí Huyện ủy viên (khoá X); đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể chính trị - xã hội huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý; bí thư hoặc phó bí thư các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy; đại diện Thường trực Đảng ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã; Trưởng công an, quân sự xã; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trưởng các đoàn thể xã.
Nhìn chung, qua 03 năm triển khai thực hiện Kết luận số 617-KL/TU, tình hình các mặt về phát triển kinh tế trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả; nổi rõ là:
- Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất nổ, chất độc hại để khai thác hải sản; không khai thác hải sản vi phạm lãnh hải nước ngoài trong thời gian qua được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện quan tâm thực hiện; qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là nhân dân được nâng lên; các trường hợp vi phạm có giảm, từ đầu năm 2018 đến nay chưa phát hiện thuyền vi phạm lãnh hải nước ngoài.
Tổ chức 100% chủ phương tiện, thuyền trưởng thuyền công suất lớn ký cam kết “Khai thác hải sản không vi phạm lãnh hải nước ngoài”.
Sản lượng khai thác bình quân tăng 6%; cơ cấu tàu thuyền và ngành nghề khai thác chuyển dịch đúng hướng.
- Công tác rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các ngành kinh tế của huyện được triển khai thực hiện tốt; phát triển ngành nghề mới như mành chụp 4 tăng gông, vây rút chì,… được chú ý; huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển của địa phương. Hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tăng, giao thông vận tải tuyến Phú Quý - Phan Thiết được cải thiện.
- Các hoạt động thương mại, dịch vụ viễn thông có bước phát triển; các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được triển khai đồng bộ, rộng khắp; an sinh xã hội được bảo đảm.
- Công tác tuần tra, xử lý vi phạm được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Diện mạo huyện nhà từng bước khởi sắc; chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế quan quan tâm, đáng lưu ý là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, chuyển đổi ngành nghề khai thác theo hướng phát triển bền vững chưa nhiều. Sản phẩm chế biến chủ yếu sơ chế, giá trị kinh tế thấp. Công tác điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch một số ngành, lĩnh vực chưa kịp thời; công tác quản lý quy hoạch và công khai quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả thu hút đầu tư để phát triển kinh tế biển còn hạn chế, chưa phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao. An ninh biên giới biển và trật tự xã hội trên một số mặt còn diễn biến phức tạp; vẫn còn tình trạng sử dụng chất nổ, chất độc hại khai thác hải sản và vi phạm lãnh hải nước ngoài. Việc xây dựng huyện Phú Quý trở thành Trung tâm khai thác, bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần và là trung tâm cứu nạn khu vực Nam Trung bộ, là căn cứ vững chắc của Trường Sa còn nhiều khó khăn, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Huyện ủy đặc biệt nhấn mạnh: Phát triển kinh tế biển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của huyện. Đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải quan tâm, thường xuyên, liên tục, triển khai thực hiện. Tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, đẩy mạnh phát triển toàn diện và bền vững kinh tế biển; chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gắn với bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2020, đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra./.