Đảo Phú Quý trước đây được gắn bó với nhiều tên gọi thân thương: Cổ Long, Thuận Tỉnh, Cù lao Khoai Xứ, Cù lao Thu, đảo Chín làng, Hòn Lớn, Phú Quý... Hơn 2 năm sau ngày giải phóng đảo (27/4/1975), Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-HĐCP, ngày 15/12/1977 về việc nâng cấp xã đảo Phú Quý thành đơn vị hành chính cấp huyện…Thực tế ghi nhận, trong những năm đầu mới giải phóng, phần do hậu quả, tồn tại xã hội của chế độ cũ để lại, đảo Phú Quý lại nằm xa cách, cô lập giữa biển Đông và hoàn toàn phụ thuộc vào đất liền, đời sống nhân dân trên đảo hết sức nghèo nàn, lạc hậu, khép kín, mang nặng tính tự cung, tự cấp. Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể lúc bấy giờ còn non trẻ, thiếu và yếu; hệ thống kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì; văn hóa, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác còn nhiều hạn chế, do vậy đời sống người dân trên đảo lúc bấy giờ thật sự còn rất nghèo đói, khốn khó…
Sau gần 2 năm thành lập huyện (12/1977 đến 7/1979), hệ thống tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp trên đảo mới cơ bản được củng cố, kiện toàn, phát triển từng bước hoàn chỉnh, tương ứng với tổ chức hành chính cấp huyện. Từ một Đảng bộ cơ sở xã trở thành Đảng bộ huyện, 3 thôn thành 3 xã, các làng thành thôn, các tổ chức, đơn vị cấp xã thành các tổ chức, đơn vị, ban ngành cấp huyện... Về công tác xây dựng Đảng, năm 1979 toàn Đảng bộ có 12 chi bộ với 59 đảng viên, trong đó 98,3% là cán bộ đảng viên thoát ly và tăng cường; trình độ học vấn trong đảng viên lúc này còn thấp, cấp II chiếm 43,8%, cấp III chiếm 11,7%. Do số lượng đảng viên còn ít nên nhiều chi bộ chỉ có đồng chí bí thư, chưa hình thành cấp uỷ. Về công tác cán bộ, cuối năm 1978 toàn huyện có 130 cán bộ, công nhân viên chức; trong đó, khối hành chính sự nghiệp có 101 cán bộ, khối kinh doanh có 29 cán bộ. Đội ngũ cán bộ cốt cán huyện có 45 đồng chí (trong đó, cán bộ là người địa phương chỉ có 07 đồng chí); cán bộ xã có 28 đồng chí (trong đó, chỉ có 10 đồng chí là người tại địa phương)…
Trong bối cảnh tình hình thế giới luôn diễn biến phức tạp, khó lường; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của toàn Đảng và nhân dân ta luôn đứng trước những thời cơ và nhiều thách thức lớn, mới, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp… Xác định rõ vai trò trọng trách là ngọn cờ lãnh đạo và hạt nhân chính trị của nhân dân trên đảo, từ ngày thành lập huyện đến nay, Đảng bộ Huyện Phú Quý không ngừng củng cố, kiện toàn, xây dựng và phát triển Đảng vững về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015 toàn Đảng bộ có 26 chi, đảng bộ cơ sở (05 đảng bộ cơ sở và 21 chi bộ cơ sở), 32 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 636 đảng viên; nay được củng cố kiện toàn còn 17 chi, đảng bộ cơ sở (07 đảng bộ cơ sở và 11 chi bộ cơ sở) có 51 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với trên 770 đảng viên…
35 năm qua kể từ ngày thành lập huyện, nhất là hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương và của Tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quý đã làm nên nhiều thành tựu quan trọng trong lãnh đạo thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng đời sống của nhân dân trên đảo thực sự được đổi thay, vươn lên, ngày một cải thiện nâng cao; truyền thống đoàn kết, thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân được phát huy đẩy mạnh… Còn nhớ cơn bão số 10 (tháng 11/1988) đã gây thiệt hại lớn tài sản nhân dân, có 61/159 thuyền máy bị hư hỏng hoàn toàn; và nhất là cơn bão Durian vào tháng 12 năm 2006 ác liệt hơn, đã làm cho huyện đảo Phú Quý thiệt hại nặng nề, có 580 tàu thuyền bị chìm, 70 lồng bè cá bị lật úp, 1.120 nhà dân bị sập, tốc mái, nhiều tuyến đường giao thông bị xói lở; hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng... tổng thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. Dự kiến để khắc phục hậu quả này phải mất từ 3 đến 5 năm. Thế nhưng, với sự nỗ lực phi thường của Đảng bộ và nhân dân trên đảo, cùng sự giúp đỡ từ nhiều nguồn lực xã hội, chỉ trong vòng 6 tháng, huyện đảo Phú Quý đã khắc phục hơn 80% thiệt hại và từ đó đến nay tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội đã ổn định và từng bước phát triển. Trong đó, nổi bật là nền kinh tế của huyện nhà đi dần vào thế ổn định và không ngừng phát triển theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế nội huyện tăng bình quân hàng năm gần 11,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng hiện chiếm 44%, nông - lâm - thuỷ sản chiếm 33,3%, dịch vụ 22,7%; thu nhập bình quân đầu người (năm 2010) đạt gần 950 USD, tăng hơn 4 lần so năm 2000, gần 6,5 lần so năm 1995 và gấp 14 lần so năm 1977, đồng thời phấn đấu đến năm 2015 đạt mức 2.100 - 2.200USD. Kinh tế biển được xác định vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện và được tập trung đầu tư phát triển với tốc độ nhanh cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, sản suất chế biến và nuôi trồng. Năng lực tàu thuyền hiện có 1.306 chiếc/82.011CV/5.622 lao động; đến nay đã phát triển tàu có công suất từ 90CV trở lên được 164 chiếc/59.111CV (trong đó có 84 tàu làm dịch vụ thu mua và chế biến hải sản). Sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại bình quân hàng năm đạt trên 20 ngàn tấn; riêng năm 2011 đạt trên 23 ngàn tấn, tăng gần 30% so với cùng thời điểm năm 2005 và tăng gấp 12,77 lần so giai đoạn 1977 - 1978. Phát triển 107 cơ sở nuôi hải sản bằng lồng bè/14.929 m2 mặt nước, sản lượng xuất lồng trong năm gần 150 tấn, tăng 52 cơ sở/trên 4.000m2 và hơn 100 tấn sản lượng xuất lồng so năm 2005. Trong nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế vườn - rừng - chuồng đạt hiệu quả; nhiều hộ gia đình đã phát triển nghề nuôi dông thương phẩm và cung cấp giống cho thu nhập khá... So với những năm trước đây, các nguồn lực xã hội được huy động cho đầu tư phát triển ngày càng nhiều hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội được quan tâm đúng mức; đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm của địa phương như: hạ tầng công sở, trường học, bệnh viện, trạm y tế, bến cảng; các tuyến đường đôi, đường vành đai, liên xã; kè chống biển xâm thực, chống xói lỡ, khu neo đậu tàu thuyền phòng trú bão, Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt là hệ thống phong điện… với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động giao thông đường bộ, đường biển, thương mại dịch vụ, cung ứng điện năng, thông tin liên lạc phục vụ cho nhu cầu đời sống sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất kinh doanh của nhân dân được phát triển mở rộng, đã tạo điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Giao thông đường biển hiện duy trì 08 tàu hoạt động; trong đó có 04 tàu vận tải hành khách - hàng hoá, 01 tàu trung tốc chở hành khách và 03 tàu vận tải hàng hoá; năm 2011 đã vận chuyển trên 39 ngàn lượt khách và trên 100 ngàn tấn hàng hoá. Vận tải đường bộ có 38 đầu xe/trên 100 tấn tải trọng, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hoá các loại trên địa bàn; bình quân mỗi gia đình có từ 1-2 xe máy và 100% hộ đều có phương tiện nghe nhìn… Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đã có hơn 20 công trình với hàng ngàn mét đường bê tông hoá giao thông nông thôn, kinh phí đầu tư nhiều tỉ đồng được thực hiện tại địa bàn dân cư các xã, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Từ chỗ không có điện, đến nay 100% hộ dân trên huyện đã có điện thắp sáng 16 giờ/ngày, nếu hoàn thành việc hoà mạng hệ thống phong điện sẽ có điện 24/24 giờ/ngày. Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển nhanh chóng, từ chỗ toàn huyện chỉ có 10 máy điện thoại vào năm 1978 (chủ yếu cho một số cơ quan cấp huyện), chưa có đường dây điện thoại truyền tải về các xã và không gia đình nào có máy điện thoại; đến cuối năm 2011 đã có tổng số 5.148 thuê bao (trong đó thuê bao Mega VNN có 504), bình quân đạt 19,8 máy/100 dân, tăng 16,13 máy/100 dân so năm 2000; chưa kể bình quân mỗi hộ dân trên đảo đều có trên 01 máy điện thoại di động…
Công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, đối tượng xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hoạt động bảo trợ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội và công tác hậu phương quân đội… luôn được các cấp, ngành địa phương quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Năm 2000, toàn huyện có 216 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 3,27%, cuối năm 2011 tỉ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm còn 1,9% (108 hộ/5.692 hộ). Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao từng bước được xã hội hóa, nâng dần chất lượng hoạt động. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi vào học lớp một và lớp 6 hàng năm luôn đạt từ 99 - 100%. Đa số cán bộ, công chức trong huyện đã đạt chuẩn trình độ theo quy định. Nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y và ngành giáo dục - đào tạo của huyện đã được đào tạo, tăng cường bổ sung nguồn lực đáng kể (ngành y có 118; ngành giáo dục 521 người). Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được nhân dân hưởng ứng phát huy, mang lại hiệu quả thiết thực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội trên một số mặt có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị từ huyện đến địa bàn cơ sở thường xuyên được củng cố. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII); thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá X) đạt nhiều kết quả. Phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của các tập thể và cá nhân trên các lĩnh vực lao động sản xuất kinh doanh, công tác, học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc …
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân trong huyện vẫn còn đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Nền kinh tế của huyện tuy có bước phát triển, nhưng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm và chưa rõ nét; quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, quản lý, khai thác, đánh bắt, chế biến, nuôi trồng hải sản còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao, chưa theo và đáp ứng kịp thời với yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong xu hướng hội nhập và phát triển. Giao thông đi lại giữa đảo với đất liền còn nhiều khó khăn; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; một số vấn đề bức xúc, hạn chế, tồn tại xã hội chưa kịp thời giải quyết... Những khó khăn trên làm hạn chế không ít đến tiến trình và tốc độ phát triển mọi mặt đời sống xã hội của huyện nhà.
Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quý ra sức quyết tâm phát huy tối đa nội lực, kết hợp tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tăng cường khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 14, ngày 15/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển khu kinh tế đảo Phú Quý; Quyết định số 312, ngày 14/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đảo Phú Quý; Quyết định số 22 và 86 của UBND Tỉnh về phê duyệt 11 chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế đảo Phú Quý và các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án công trình phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội của huyện đã kịp thời được rà soát, điều chỉnh, thay đổi, bổ sung phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển của địa phương trong giai đoạn mới. Nhất là, chung sức, chung lòng tập trung xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2015, có 3/3 xã của huyện đảo trong tổng số 21 xã điểm toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khoá XI), gắn với thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) mà trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Phải xác định đây là định hướng chính trị tư tưởng, chủ trương lớn của Đảng, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, đặc biệt là đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quý quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng phát triển bền vững, thật sự giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, đẹp về đời sống văn hóa và sự trong lành về môi trường tự nhiên xã hội, nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc.
KỲ DANH
(Ban Tuyên giáo Huyện uỷ)