Huyện đảo Phú Quý : Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 -Nhiệm vụ và giải pháp

Cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khóa XII) sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo Kết luận số 60-KL/TW, ngày 16/4/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI)

Huyện đảo Phú Quý đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó công tác thông tin, tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân địa phương hiểu rõ hơn nữa về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng và phát triển địa phương nói riêng; nâng cao hiểu biết pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế về biển, đảo.

Đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể; theo đó, huyện tập trung triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành kinh tế biển nhất là khai thác - chế biến hải sản, thương mại - dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ vận tải biển và kết cấu hạ tầng đến năm 2020 đã được phê duyệt cùng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo sử dụng quỹ đất có hiệu quả và bền vững. Công bố, công khai quy hoạch các ngành kinh tế biển đã được phê duyệt để thu hút nguồn nhân lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là ngành du lịch, thủy sản, công nghiệp; triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình giao thông, cảng biển, điện, nước và các công trình phục vụ phòng chống thiên tai như: kè biển chống xâm thực, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Tập trung rà soát, tổ chức lại các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ và phát triển ngư trường, nguồn lợi thủy sản, nâng cao thu nhập và mức sống cho nhân dân. Tăng cường đẩy mạnh công nghiệp chế biến thủy sản gắn với xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp chế biến hải sản, cơ khí, sửa chữa tàu thuyền; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là lĩnh vực khai thác và chế biển hải sản sử dụng công nghệ xanh, sạch, tạo bước chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Khuyến khích ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất lớn khai thác xa bờ; tiếp tục vận động thành lập các nghiệp đoàn, tổ đoàn kết nghề cá, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Làm tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực các ngành nghề có liên quan đến biển, từng bước nâng cao trình độ nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý và lực lượng lao động biển. Tăng cường công tác quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhất là bảo vệ các loài hải sản quý hiếm; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi dùng chất nổ, hóa chất độc hại, tận diệt trong khai thác đánh bắt hải sản, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác thải tại địa phương.

Đẩy mạnh việc trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ và trồng cây xanh nâng độ che phủ, giữ nguồn nước ngọt, bảo vệ môi trường sinh thái trên đảo. Chủ động kế hoạch ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết, nâng cao năng lực thích ứng khi có thiên tai xảy ra. Chuẩn bị các phương án, điều kiện tại chỗ trong việc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Thường xuyên khảo sát, di dời, sắp xếp các điểm dân cư ở những vùng có nguy cơ bị sạt lở, biển xâm thực và ảnh hưởng nước biển dâng. Tiếp tục tập trung tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội như: các công trình giao thông đường bộ, nâng cấp sân bay, cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, kè biển chống xâm thực bảo vệ bờ biển; xây dựng các công trình nước sinh hoạt, các hồ chứa và hệ thống đường ống thu nước mưa. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển các loại hình du lịch, sân bay, tàu cao tốc, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá và các khu công nghiệp, cấp thoát nước… Thực hiện tốt việc cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thu hút các nguồn nhân lực đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực có liên quan đến phát triển kinh tế biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trong mọi quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư ở địa phương. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, củng cố nâng cao năng lực phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.  


Các tin khác