Phu Quy: Sức Xuân nơi đảo xa

Từng đợt gió mùa Đông - Bắc thổi, không khí lạnh tăng cường… “điệp khúc” thời tiết thường niên ấy báo hiệu mùa Xuân mới chuẩn bị đến với bà con nơi đảo xa. Trong những ngày tháng cuối năm này, một trong những hoạt động ý nghĩa thiết thực của Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quý là đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập huyện đảo (15/12/1977-15/12/2013); và nhất là chủ động tập trung chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho nhân dân trên đảo được vui Xuân, đón Tết Giáp Ngọ 2014 trọn vẹn, vui tươi, phấn khởi

 Đảo Phú Quý nằm ở phía Nam biển Đông, thuộc vùng khí hậu hải dương nhiệt đới gió mùa. Trước hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; hàng năm, khu vực đảo thường xuyên chịu tác động, ảnh hưởng nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới, giông, lốc xoáy, triều cường, biển xâm thực, gây trở ngại, khó khăn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo chất lượng đời sống nhân dân. Ác liệt và dữ dội đó là cơn bão Durian (tháng 12 năm 2006), đã làm cho huyện đảo Phú Quý thiệt hại nặng nề, có 580 tàu thuyền bị chìm, 70 lồng bè cá bị lật úp, thiệt hại 100%; 1.120 nhà dân bị sập, tốc mái; nhiều tuyến đường giao thông bị xói lở; hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng... tổng thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. Dự kiến để khắc phục hậu quả này phải mất từ 3 đến 5 năm.

 

Thế nhưng, với sự nỗ lực phi thường của Đảng bộ và nhân dân trên đảo, cùng sự giúp đỡ kịp thời của đất liền và các nguồn lực xã hội sẻ chia, chỉ trong vòng 6 tháng, Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quý đã khắc phục hơn 80% thiệt hại và từ đó đến nay các lĩnh vực đời sống dân sinh xã hội được ổn định và tiếp tục phát triển, nhất là có được bài học kinh nghiệm lớn trong công tác chủ động ứng phó, phòng, tránh những thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Theo đó, nền kinh tế của huyện từng bước phát triển theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế nội huyện tăng bình quân hàng năm trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (46%) và dịch vụ (23,7%), giảm nhóm ngành ngư - lâm - nông nghiệp (30,3%); thu nhập bình quân đầu người (năm 2012) đạt 1.334 USD, tăng 5,6 lần so năm 2000, hơn 8 lần so năm 1995 và gấp 15,5 lần so năm 1977. Kinh tế biển được xác định vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện và được tập trung đầu tư phát triển với tốc độ nhanh cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, sản xuất chế biến và nuôi trồng. Năng lực tàu thuyền hiện có 1.210 chiếc/77.055CV/6.071 lao động; trong đó, phát triển thuyền công suất trên 90CV được 169 chiếc/60.061CV, thuyền dịch vụ thu mua, chế biến hải sản 82 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại bình quân hàng năm đạt trên 23 ngàn tấn; riêng 9 tháng đầu năm 2013 đạt trên 21 ngàn tấn, tăng gần 30% so với cùng thời điểm năm 2005 và tăng gấp 12 lần so giai đoạn 1977 - 1978. Phát triển 108 cơ sở nuôi trồng hải sản bằng lồng bè/14.854m2 , sản lượng nuôi trồng hàng năm đạt từ 150 - 200 tấn, tăng hơn 50 cơ sở/trên 4.000m2  và 100 tấn sản lượng so năm 2005; tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản vùng biển xa (khu vực DK1 đến quần đảo Trường Sa) có 145 chiếc/52.345CV/1.740 lao động; nghiệp đoàn nghề cá có 24 thuyền/1440CV/175 lao động; 450 tổ thuyền đoàn kết tiếp tục phát triển hoạt động có hiệu quả, gắn chặt giữa khai thác, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn trên biển và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động và tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế vườn - rừng - chuồng đạt hiệu quả. Thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các nguồn lực xã hội được huy động cho đầu tư phát triển ngày càng nhiều hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng như: hạ tầng công sở, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà máy nước, thiết chế văn hóa, bến cảng, các tuyến đường đôi, đường vành đai, liên xã, kè chống biển xâm thực, chống xói lở, khu neo đậu tàu thuyền phòng trú bão, trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và hệ thống phong điện… với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Hoạt động giao thông đường bộ, đường biển, thương mại dịch vụ, cung ứng điện năng, thông tin liên lạc phục vụ cho nhu cầu đời sống sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất kinh doanh của nhân dân được phát triển mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển nhanh chóng, hiện có tổng số 3.817 thuê bao điện thoại các loại, bình quân đạt 17 máy/100 dân, 485 thuê bao Internet ADSL; bên cạnh đó, bình quân mỗi hộ dân trên đảo có trên 01 máy điện thoại di động, 1-2 xe máy và 100% hộ gia đình đều có phương tiện nghe nhìn…

Công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, đối tượng xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hoạt động bảo trợ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội và công tác hậu phương quân đội… luôn được các cấp, ngành địa phương quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Năm 2000, toàn huyện có 216 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 3,27%, đến nay còn 94 hộ/285 khẩu, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,59% (theo tiêu chí mới). Giải quyết việc làm bình quân hàng năm 766 lao động (đạt 102%). Huy động và vận động nguồn lực các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chính sách xã hội, các công trình nhân đạo với tổng giá trị nhiều tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 45 nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao từng bước được xã hội hóa, phát triển, nâng dần chất lượng hoạt động. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và 6 tuổi vào lớp một luôn đạt 100%, vào lớp 6 đạt 99 - 100%; tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả đề án phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, duy trì giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Đa số cán bộ, công chức trong huyện đã đạt chuẩn trình độ theo quy định; trong đó đội ngũ giáo viên các cấp học đa số đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được nhân dân đồng tình hưởng ứng phát huy, mang lại hiệu quả thiết thực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội trên một số mặt có nhiều tiến bộ, phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh. Hệ thống chính trị từ huyện đến địa bàn cơ sở thường xuyên được củng cố tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác xây dựng kiện toàn tổ chức Đảng vững về chính trị, tư tưởng và tổ chức, quán triệt thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) đạt nhiều kết quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường; dân chủ XHCN ngày càng được phát huy mở rộng. Phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được thường xuyên phát động thực hiện tốt, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến của các tập thể và cá nhân trên các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được ghi nhận, nhân rộng… nhất là phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đã có 52 tuyến đường giao thông nông thôn/6.966 mét được bê tông hoá, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.

36 năm qua kể từ ngày thành lập huyện, nhất là qua 27 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; được sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, sự giúp đỡ tận tình của các Sở, Ban, Ngành và các địa phương trong Tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự đồng thuận của toàn dân, Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quý đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa cách mạng sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương, thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; truyền thống đoàn kết, thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân được phát huy đẩy mạnh, chất lượng đời sống nhân dân trên đảo thực sự được đổi thay, sức Xuân mới trên đảo xa ngày càng lan tỏa…

Nhân dân, cán bộ và chiến sĩ huyện đảo Phú Quý nguyện giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động, lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới; quyết tâm xây dựng quê hương huyện đảo Phú Quý ngày càng phát triển bền vững, văn minh, thân thiện, nghĩa tình; làm cho đảo thật sự “giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về truyền thống văn hóa, sự trong lành về môi trường tự nhiên và đời sống xã hội”; nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc.

 

                                                                                                                                                        

  


Các tin khác