Phú Quý: kết quả bước đầu thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận”

  • /
  • 19.9.2013 - 9:34

Quán triệt, tiếp thu Đề án “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận” được ban hành theo Quyết định số 669-QĐ/TU, ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Tuyên giáo huyện đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy lồng ghép tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Đề án cho đối tượng cán bộ chủ chốt huyện, xã trong các hội nghị chuyên đề; in sao Đề án gửi các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các tổ chức, địa phương, đơn vị trong huyện gắn với việc tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của đảng bộ huyện trên cơ sở cụ thể hóa thực hiện Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh ban hành theo Quyết định số 292-QĐ/TU, ngày 25/4/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch về tăng cường cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội thực hiện theo Kế hoạch số 67-KH/TU, ngày 09/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai. Kết quả bước đầu thực hiện Đề án nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội trên địa bàn thể hiện qua các mặt sau:

 Ban Tuyên giáo huyện kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quyết định củng cố, kiện toàn và quy chế hoạt động của Cộng tác viên Tổ dư luận xã hội của huyện (Tổ dư luận xã hội của huyện gồm có 14 đồng chí, do đồng chí phó Bí thư Huyện ủy - kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo huyện làm Tổ trưởng, được chia thành 3 tổ theo địa bàn 3/3 xã (có tổ trưởng, tổ phó). Theo đó, Ban Tuyên giáo huyện đã chủ trì họp, thống nhất ra thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Tổ dư luận xã hội huyện hoạt động theo từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách; bộ phận thường trực có 02 đồng chí (Ban Tuyên giáo Huyện ủy) có nhiệm vụ tiếp nhận, nắm bắt, tổng hợp, phân loại, đề xuất, định hướng xử lý thông tin, dư luận xã hội được cộng tác viên báo cáo, phản ánh; đồng thời triển khai cấp thẻ Cộng tác viên dư luận xã hội của huyện; hướng dẫn cấp ủy cơ sở cụ thể hóa các quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy nhanh chóng củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của cấp ủy và xây dựng ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động công tác Tuyên giáo trong tình hình mới, nhất là công tác tuyên truyền miệng và nắm bắt dư luận xã hội, thực hiện tốt, kịp thời chức năng tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo trong các lĩnh vực công tác Tuyên giáo ở địa phương, đơn vị; trong tháng 5/2013, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức 01 lớp tập huấn công tác Tuyên giáo cho 82 đồng chí là cấp uỷ các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện uỷ phụ trách công tác tuyên giáo, tuyên truyền; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo của Mặt Trận và các đoàn thể huyện; Ban Tuyên giáo đảng uỷ các xã; đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên cơ sở; cấp uỷ các chi bộ trực thuộc các đảng uỷ cơ sở; với các nội dung: Về chức năng, nhiệm vụ của Ban tuyên giáo các cấp; công tác nắm bắt dư luận xã hội và xử lý điểm nóng; công tác tuyên truyền miệng và một số kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền và tham dự tập huấn công tác báo cáo viên, dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào cuối tháng 6/2013. Bước đầu, qua củng cố kiện toàn, nghiên cứu, bồi dưỡng tiếp thu nghiệp vụ và thực tiễn hoạt động, các thành viên Tổ dư luận xã hội của huyện và cơ sở cơ bản nhận thức thực hiện việc nắm bắt, xử lý và phản hồi thông tin dư luận xã hội trên địa bàn, lĩnh vực hoạt động chủ yếu theo nội dung và phương thức như sau:

* Về nắm bắt thông tin:  Qua quan sát, nghe ngóng, tiếp xúc, trao đổi, toạ đàm, phỏng vấn trực tiếp người dân, cán bộ, người có trọng trách trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tin đại chúng; qua dư luận, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân để nắm bắt, thu thập thông tin. Ngoài ra, còn thông qua các hình thức như: phân tích thông tin, tài liệu (qua báo chí, đơn, thư khiếu nại, tố cáo…), qua các cuộc điều tra, khảo sát, thăm dò dư luận xã hội; tổ chức Hội nghị giao ban dư luận xã hội định kỳ.

* Về phản ánh thông tin: Sau khi nắm bắt thông tin, từng thành viên dư luận xã hội rà soát, thẩm định bước đầu để kiểm tra mức độ, tính chính xác của thông tin. Sau đó, kịp thời phản ánh cho Tổ trưởng (hoặc Tổ phó), hoặc Bộ phận Thường trực Tổ dư luận xã hội của huyện thông qua các hình thức sau: phản ánh nhanh qua trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại đối với những vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, đột xuất ở địa bàn địa phương; xác định nếu không ngăn chặn, xử lý kịp thời dễ nảy sinh “điểm nóng”. Báo cáo bằng văn bản đối với những vấn đề, sự kiện, sự việc cần thời gian theo dõi, tìm hiểu, nghiên cứu để có định hướng, giải quyết. Phản ánh qua giao ban Tổ dư luận xã hội huyện theo định kỳ (01 tháng/lần) hoặc đột xuất.

* Về xử lý và phản hồi thông tin: Bộ phận Thường trực rà soát, thẩm định, tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Huyện uỷ, đề xuất các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm xử lý, giải quyết thông tin. Sau khi thông tin được xử ký, Bộ phận Thường trực sẽ phản hồi thông tin cho các thành viên của Tổ dư luận xã hội huyện và các tổ chức, ngành, địa phương liên quan để nắm biết, định hướng dư luận xã hội.

Nhìn chung, bước đầu triển khai thực hiện Đề án theo quyết định số 669-QĐ/TU, ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những mặt chuyển biến nhất định; thể hiện rõ đó là: Đội ngũ công tác viên dư luận xã hội các cấp được kịp thời quan tâm củng cố kiện toàn, đảm bảo cho yêu câu hoạt động phục vụ nhiệm vụ được giao. Nhận thức về trách nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ, chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp được nâng lên; chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật phát ngôn; giữ gìn bí mật của Đảng và Nhà nước, bí mật công tác. Kịp thời nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, chính sách lớn của huyện; những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc; tình hình dân tộc, tôn giáo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… quan trọng của huyện, của tỉnh, trong nước và quốc tế tác động đến đời sống và tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Kịp thời phát hiện các chiều hướng dư luận xã hội lệch lạc, dư luận tiêu cực, đề xuất các biện pháp uốn nắn và đấu tranh kiên quyết với các dư luận sai trái nhằm đảm bảo tư tưởng tiến bộ, tích cực trong nội bộ Đảng và nhân dân. Trong quá trình hoạt động, các thành viên dư luận xã hội thường xuyên kịp thời phản ánh và đề xuất, kiến nghị với bộ phận thường trực. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin phản ánh.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập đó là: hoạt động của các thành viên dư luận xã hội các cấp đều kiêm nhiệm, áp lực về thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn nên chưa đầu tư chuyên sâu và quan tâm nhiều lĩnh vực hoạt động dư luận xã hội; chế độ, quyền lợi động viên khuyến khích chưa có gì; việc duy trì sinh hoạt, giao ban, thông tin, báo cáo đôi khi chưa kịp thời, thường xuyên; nhận thưc xác định về mục đích, ý nghĩa, lợi ích, tầm quan trọng của công tác  nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức./.

                                                                                                                                 KỲ DANH

                                                          

 

 


  • |
  • 1449
  • |

Các tin khác