Phú Quý: Thảo luận, góp ý, khắc phục một số vấn đề bất cập trong giáo dục.

  • /
  • 15.5.2013 - 14:25

Ban Thường vụ Huyện uỷ Phú Quý kịp thời có kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 38-KH/BTGTU, ngày 25/3/2013 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kế hoạch số 58-KH/TU, ngày 08/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời tổ chức hội nghị, thảo luận, lấy ý kiến đóng góp, làm rõ trong thời gian qua trên địa bàn huyện có hay không và có như thế nào về các nội dung: việc dạy thêm và học thêm; tình trạng lạm thu và sử dụng nguồn thu không đúng mục đích; vấn đề tiêu cực trong công tác thi cử; những đề xuất, kiến nghị và biện pháp khắc phục cơ bản một số vấn đề bất cập về giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Theo báo cáo của ngành giáo dục địa phương trong thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Quý có việc tổ chức dạy thêm và học thêm. Tuy nhiên, không có trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm đại trà, tràn lan, chỉ thể hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, như việc một vài giáo viên nhận thấy có trách nhiệm cần phải tổ chức dạy phụ đạo thêm cho số học sinh là con em trong gia đình, bà con hàng xóm tại nhà, theo từng nhóm học từ 8 đến 10 em, nên không có hồ sơ đăng ký dạy thêm theo quy định; đối tượng chủ yếu là học sinh THCS, thường học thêm và dạy thêm ở 2 môn toán và Anh văn. Nội dung chương trình, công tác tổ chức dạy và học tại nhà nhằm củng cố thêm kiến thức cho học sinh trung bình, yếu, hoặc bồi dưỡng thêm cho học sinh khá giỏi...Việc thu tiền dạy thêm trên cơ sở được thoả thuận thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên; tùy theo môn học, bình quân mỗi tháng thu từ 80.000 - 100.000 đồng/môn/tháng. Bên cạnh đó, các trường THCS thường xuyên duy trì việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường, với hình thức phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho số học sinh yếu kém, nhằm nâng cao dần chất lượng dạy và học hàng năm. Ngoài ra, theo yêu cầu và đề nghị của nhiều phụ huynh thông qua tổ chức hội cha mẹ học sinh, các trường tổ chức dạy phụ đạo thêm một số môn như: toán, Anh văn hoặc vật lý, hóa học cho học sinh lớp 9 để thi tuyển vào lớp 10. Tuy nhiên số lượng học sinh đăng ký rất ít nên các trường chỉ dạy được một số lớp. Việc thu tiền dạy thêm trong nhà trường cũng trên cơ sở thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường, chủ yếu là thu theo tiết, mỗi tiết thu từ 2.300 - 3.000đ/tiết/học sinh. Do số học sinh tham gia học mỗi khối lớp tập trung không nhiều, nên số tiền thu được nhà trường không trích lại, mà đã bồi dưỡng 100% cho giáo viên trực tiếp giảng dạy. Về tình hình thu và sử dụng nguồn thu, trong năm học 2012-2013, các trường trên địa bàn đã tổ chức thu các khoản, gồm: BHYT, BHTT học sinh; tiền ấn phẩm học sinh (học bạ, phiếu phối hợp, giấy thi, lệ phí tuyển sinh); tiền quỹ lớp; tiền vệ sinh trường và hội phí. Trong đó, các khoản thu hộ gồm có: BHYT,  BHTT, ấn phẩm thi đầu năm, thi học kỳ, quỹ hội CMHS. Các khoản thu có tính chất thỏa thuận phục vụ học đường, gồm có: quỹ lớp, trang phục thể dục, ấn phẩm kiểm tra 1 tiết, tiền thuê quét dọn phòng học và nhà vệ sinh. Sau khi thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường trong hội nghị cha mẹ học sinh về các khoản thu trong năm và được Ban đại diện cha mẹ học sinh trường ủy nhiệm thu khoản tiền vệ sinh trường và hội phí, các trường đã triển khai đến giáo viên chủ nhiệm thu tất cả các khoản trên và nộp về thủ quỹ nhà trường và thủ quỹ trường tiến hành giao nộp đúng nơi quy định theo yêu cầu của các khoản thu. Nhìn chung, trong thời gian qua các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã thu các khoản thu phục vụ học đường và hội phí đúng quy định, không có tình trạng lạm thu và được sử dụng đúng mục đích, chi đúng mục tiêu phục vụ học đường, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và từng bước phát huy tốt hiệu quả công tác xã hội hoá giáo dục. Việc tổ chức thi cử thời gian qua và trong năm học 2012 - 2013, các trường đều tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế các lần kiểm tra định kỳ trong năm học. Tổ chức coi và chấm thi đúng quy định, luân chuyển giáo viên coi và chấm thi trong từng khối lớp; đảm bảo khách quan, công bằng. Hình thức và cách thức tổ chức thi như thế là phù hợp, đảm bảo chất lượng, đánh giá đúng thực chất…

Thực tế ghi nhận, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện đảo Phú Quý còn rất thấp so với mặt bằng chung của Tỉnh. Qua góp ý thảo luận, hầu hết các ý kiến đều thống nhất đề xuất mốt số giải pháp thực hiện sát hợp theo tình hình địa phương nhằm góp phần từng bước nâng dần chất lượng dạy và học tại địa phương. Theo đó, nhận thấy việc tổ chức dạy thêm và khuyến khích động viên học sinh học thêm là rất cần thiết (tránh tình trạng dạy thêm và học thêm tràn lan, thiếu sự quản lý, kiểm soát), nhằm kịp thời củng cố, nâng cao chất lượng học tập của học sinh, rút ngắn khoảng cách giữa học sinh cá biệt, yếu kém với học sinh khá giỏi. Mặt khác, hiện nay nhu cầu học tập trong nhân dân ngày càng cao, nhiều phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc học nhằm nâng cao kiến thức cho con em. Tuy nhiên, khi  cho phép thực hiện việc tổ chức dạy thêm và học thêm cần có sự hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của các cấp quản lý để hạn chế tình trạng tiêu cực có thể xảy ra. Khi tổ chức cần khuyến khích tổ chức cả hai hình thức, dạy thêm trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường. Đối với dạy thêm trong nhà trường, cần thiết phải phân loại 2 nhóm đối tượng: loại học sinh yếu, kém và loại từ trung bình trở lên. Đối với loại học sinh yếu tập trung vào việc ôn lại lý thuyết đã học một cách căn bản chắc chắn, sau đó chỉ làm những bài tập trực quan, bài tập dễ để tập cho học sinh kỹ năng vận dụng lý thuyết. Đối với hoc sinh từ trung bình trở lên thì khuyến khích học sinh làm các bài tập nâng cao, những bài tập có tính hệ thống kiến thức tổng hợp; xem đây là việc tích hợp trong công tác bồi dưỡng để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường, tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi trường hợp, cơ quan quản lý cần có những định hướng cụ thể, cho phép dạy một nhóm không quá 10 em để tránh sự tràn lan, đại trà, thiếu chất lượng. Vấn đề này các ý kiến đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh có sự hướng dẫn, chỉ đạo, thống nhất để các địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định chung. Việc thu và sử dụng nguồn thu: nhận thức xác định theo nguyên tắc mọi nguồn thu do vận động đóng góp dù là tự nguyện hay được sự đồng thuận cao của cha mẹ học sinh, theo quy định của nhà nước đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, theo thực tế tình hình địa phương, các ý kiến đề nghị các cấp, ngành chức năng cho phép tiếp tục được vận dụng một số khoản thu, mức vận động đóng góp hài hoà, phù hợp (như hội phí CMHS, tiền vệ sinh) theo nguyên tắc công khai, tự nguyện, được thỏa thuận thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh ngay từ đầu năm học; các khoản thu chi phải thể hiện trên hồ sơ sổ sách quản lý tài chính theo quy định… Về vấn đề tổ chức thi cử tránh chạy theo thành tích và tiếp tục tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế các lần kiểm tra định kỳ. Bố trí giám thị coi thi và giám khảo chấm thi không phải là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn. Coi và chấm thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, đúng quy chế. Nếu có điều kiện thì nên tổ chức ngân hàng đề thi và tổ chức thi nhiều đề trong một phòng thi nhằm hạn chế tối đa tình trạng học sinh nhìn bài của nhau…            

           

                                                                                          KỲ DANH

                                                                            Ban Tuyên giáo Huyện uỷ                                                    

                                                                                               

                                                                                             

 


  • |
  • 1116
  • |

Các tin khác