Ghi nhận qua kiểm tra việc thực hiện nội dung chương trình

  • /
  • 10.1.2012 - 20:36

Thực hiện công tác Kiểm tra, giám sát năm 2011, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã triển khai kế hoạch, thành lập đoàn và tiến hành kiểm tra việc thực hiện nội dung chương trình giáo dục đạo đức, giáo dục công dân tại 03 đơn vị trường học trong huyện

Thực hiện công tác Kiểm tra, giám sát năm 2011, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã triển khai kế hoạch, thành lập đoàn và tiến hành kiểm tra việc thực hiện nội dung chương trình giáo dục đạo đức, giáo dục công dân tại 03 đơn vị trường học trong huyện: Trường THCS Ngũ Phụng ( về giáo dục công dân), Trường tiểu học Triều Dương và Trường tiểu học Quý Hải (về giáo dục đạo đức). Nội dung kiểm tra tập trung vào các yêu cầu: nghe Cấp uỷ, Ban giám hiệu và đại diện các đoàn thể trong trường học báo cáo khái quát, làm rõ thêm tình hình cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên, công tác dạy và học nói chung, kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, giáo dục công dân gắn với các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các hoạt động phong trào Đoàn, Hội, Đội trong trường học; xem xét về hồ sơ, sổ sách có liên quan và tham quan, dự giờ lên lớp tiết học giáo dục công dân, giáo dục đạo đức; riêng Trường THCS Ngũ Phụng, Đoàn kiểm tra có tham dự lễ chào cờ  đầu tuần...

Tình hình kết quả kiểm tra tại các đơn vị được ghi nhận: Cấp uỷ chi bộ và Ban giám hiệu có sự quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục đạo đức, giáo dục công dân gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong trường học; chỉ đạo các đoàn thể, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm duy trì tổ chức thực hiện nhiều hình thức gắn kết, tích hợp nội dung giáo dục, các hoạt động ngoài giờ đa dạng, sinh động như: sinh hoạt chào cờ đầu tuần, giảng dạy môn đạo đức, môn giáo dục công dân, sinh hoạt chủ nhiệm, phối hợp với phụ huynh học sinh, thể dục giữa giờ, múa sân trường, trò chơi dân gian, hoạt động trò chơi lớn, tham quan dã ngoại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... thông qua đó để giáo dục đạo đức cho học sinh. Cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy và học từng bước được đầu tư xây dựng và phát huy có hiệu quả. Các trường từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng phương pháp giảng dạy tích cực, học sinh chủ động; các trường đều được trang bị và giáo viên đứng lớp đều biết và sử dụng thành thạo chương trình PowerPoint, màn hình, đèn chiếu, giáo án điện tử, tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi trong giờ học... đã làm cho lớp học sôi nổi, học sinh hứng thú, say mê và tiếp thu bài nhanh. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục đạo đức, giáo dục công dân đạt chuẩn và trên chuẩn; giảng dạy đạt yêu cầu; đa số học sinh có đạo đức tốt, ngoan hiền, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi; thân thiện, hoà đồng với bạn bè.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, giáo dục công dân trong trường học thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định; đáng lưu ý là: Việc xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể cho các bộ phận trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, triển khai cam kết thực hiện đạo đức học sinh, mở hồ sơ theo dõi riêng chưa được các trường quan tâm đúng mức; triển khai giáo dục đạo đức học sinh gắn với học tập tấm gương, đạo đức của Bác Hồ thông qua nhiều hoạt động chưa thật sự phong phú, sáng tạo, năng động; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp còn ít.Công tác phối hợp với phụ huynh học sinh trong giáo dục đạo đức chưa thật sự đồng bộ, còn nhiều bất cập. Các trường tiểu học chưa thật quan tâm công tác giáo viên chủ nhiệm lớp; chưa có kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp; kiến thức về xã hội, về kỹ năng sống của giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo dục đạo đức nhìn chung còn hạn chế; trong quá trình giảng dạy đôi lúc còn lúng túng về liên hệ, giảng nghĩa; việc rút ra kết luận từ nội dung bài học để giáo dục cho học sinh chưa thật sự sâu sắc; vẫn còn một số học sinh cá biệt, vi phạm đạo đức, nội quy nhà trường; đặc biệt vẫn còn học sinh bỏ học, bị đuổi học nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ thoả đáng.
 Nhận định trước thực trạng tình hình xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống của xã hội nói chung, của một bộ phận học sinh nói riêng; trong đó có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về nhiều cấp, nhiều ngành...Giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh là một công việc khó, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của nhiều lực lượng trong nhà trường và xã hội; hình thức giáo dục phải phong phú và đa dạng. Qua kiểm tra điểm một số đơn vị trường học trong huyện vừa qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo, yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn toàn huyện trong thời gian tới cần phải quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh.  
Trong đó, chú ý tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ chi bộ nhà trường, tổ chức quán triệt kịp thời đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước, của ngành về giáo dục đạo đức cho học sinh nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các thành viên, tổ chức trong nhà trường; giáo dục đạo đức cho học sinh phải gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; bí thư chi bộ là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện nội dung này. Đồng thời, nâng cao hiệu quả tổ chức và quản lý của Ban giám hiệu nhà trường trong việc thực hiện giáo dục đạo đức; xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể cho các bộ phận trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh; triển khai cho học sinh ký cam kết thực hiện đạo đức; mở sổ theo dõi riêng học sinh cá biệt, đạo đức yếu kém, cập nhật công tác phối hợp giáo dục đạo đức, kết quả quá trình phấn đấu, sự chuyển biến về đạo đức của học sinh; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm trực tiếp xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức lớp mình phụ trách; phối hợp chặt chẽ với Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong, giáo viên bộ môn và cha mẹ học sinh để giáo dục đạo đức và đánh giá xếp loại học sinh của lớp; chỉ đạo tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều nội dung phù hợp, hình thức sôi nổi, hấp dẫn, thật sự có ý nghĩa, thu hút sự hứng thú học tập, tham gia hoạt động của học sinh.
Đặc biệt quan tâm tập trung xây dựng môi trường sư phạm mẫu mực trong nhà trường, xây dựng và giữ gìn cảnh quan trường học thân thiện, xanh-sạch-đẹp; quan hệ, ứng xử giữa đồng chí đồng nghiệp phải đúng mực; xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong tập thể sư phạm; thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tác phong đạo đức, lý tưởng nghề nghiệp, lòng nhân ái, tình thương yêu học sinh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, sẵn sàng giúp đỡ  học sinh; qua đó, để học sinh thấy được trường học an toàn và thân thiện, những tấm gương sáng của thầy cô, của bạn bè giúp các em học tập, noi theo và rèn luyện đạo đức; đối với giáo viên tuyệt đối không được sử dụng hình phạt bằng trừng phạt thân thể như đánh, bạt tai… trừng phạt tinh thần như chửi mắng, sỉ nhục, lăng mạ, bêu rếu… những hành vi này ảnh hưởng tiêu cực, ảnh hưởng lâu dài trong tâm trí học sinh. Đối với học sinh cá biệt cần phải kiên trì, chịu khó, phải tìm hiểu sâu nguyên nhân, tìm cách để gặp và tâm sự riêng với các em, tìm ra những điểm tốt của các em để khuyến khích, động viên, tạo lại niềm tin và lòng tự trọng; sắp xếp dành thời gian thoả đáng đến thăm gia đình, trao đổi với phụ huynh về phương pháp giáo dục tích cực với các em; hết sức đắn đo, cân nhắc xem xét khi ra quyết định xử lý kỷ luật học sinh bằng hình thức đuổi học, vì biện pháp này thể hiện sự bất lực của nhà trường; mặt khác, vô tình đẩy ra ngoài xã hội những “sản phẩm kém chất lượng” và đó chính là mầm mống của các hiện tượng tiêu cực, gây rối trật tự xã hội...
Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới và đa dạng hoá nội dung, các hình thức hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh, như giáo dục thông qua tiết chào cờ đầu tuần, thông qua các tiết học giáo dục đạo đức, giáo dục công dân có chất lượng, qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, cần duy trì và tổ chức tốt chương trình học vui - vui học, các hoạt động dã ngoại, thăm quan các di tích lịch sử, văn hoá, thắng cảnh ở địa phương… sau mỗi buổi sinh hoạt hoặc tổ chức các hoạt động phải nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt và phê bình, nhắc nhở các tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, nhất là tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong; phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả thiết thực ba môi trường giáo dục: nhà trường - gia đình - cộng đồng xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, đánh giá giáo dục đạo đức học sinh.../.
 

                                                                                    KÝ DANH   


  • |
  • 1018
  • |

Các tin khác