Phú Quý:Với tình hình ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường

  • /
  • 12.4.2013 - 11:19

Huyện đảo Phú Quý có diện tích tự nhiên 1.781, 47 ha; vị trí: 100 28’58” đến 100 33’35” vĩ độ Bắc và 1080 55’13” đến 1080 58’12” kinh độ Đông; cách thành phố Phan Thiết theo hướng Đông - Đông Nam 56 hải lý. Địa hình đảo không bằng phẳng, độ cao trung bình từ 15 - 20m; phía Bắc có núi Cấm (108m) và núi Cao Cát (85m); phía Nam có các cồn và đồi cát cao từ 35 - 40m, trong đó cao nhất là đồi Ông Đụn (44,9m). Trung tâm đảo có các dãy đồi lượng sóng trải dài cao từ 20 đến 30m, có nơi 7 đến 8m, thấp nhất là bãi Triều Dương, cao khoảng 2m so mực nước biển…

Đảo Phú Quý nằm ở phía Nam biển Đông, thuộc vùng khí hậu hải dương nhiệt đới gió mùa. Trong những năm qua, thời tiết trong khu vực và trên đảo thay đổi bất thường, nắng nhiều, mưa ít, mưa muộn và thường kết thúc sớm; bão, áp thấp nhiệt đới, giông, lốc xoáy thường xuất hiện, cường độ ngày càng mạnh, hiện tượng triều cường, nước biển xâm thực, kéo cuốn sâu vào bờ gây sạt lở, làm nhiều hộ gia đình sinh sống ven bờ biển phải di dời, tái định cư, gây trở ngại, khó khăn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Điển hình như cơn bão số 10 (tháng 11/1988) đã gây thiệt hại lớn tài sản nhân dân, trong đó có 61/159 thuyền máy bị hư hỏng hoàn toàn; và nhất là cơn bão Durian vào tháng 12 năm 2006 ác liệt hơn, đã làm cho huyện đảo Phú Quý thiệt hại nặng nề, có 580 tàu thuyền bị chìm, 70 lồng bè cá bị lật úp, thiệt hại 100%; 1.120 nhà dân bị sập, tốc mái; nhiều tuyến đường giao thông bị xói lở; hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng nặng... tổng thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng; lốc xoáy năm 2011 cũng đã làm nhiều nhà dân bị tốc mái.

Tình hình tài nguyên và các hệ sinh thái tự nhiên trên đảo: Đất của đảo Phú Quý được phân bổ làm 3 nhóm: nhóm đất cát, nhóm đất đỏ và nâu thẫm (Ferralsols), nhóm đất sói mòn trơ sỏi đá (Leptosols) với diện tích 1.639,40 ha chiếm 92,03% diện tích toàn huyện. Nguồn nước ngọt của đảo thuộc vào dạng khan hiếm, trữ lượng không dồi dào; do độ tán che phủ thấp, không có sông suối, ao hồ nên trên đảo không có nguồn nước mặt, mà nguồn nước mặt trên đảo chỉ phụ thuộc vào việc tích trữ nước mưa qua các lớp phủ thực vật; đã có một số khu vực trên đảo xuất hiện hiện tượng nước bị nhiễm mặn, tạp chất. Qua các tài liệu điều tra ở đảo Phú Quý chưa phát hiện được loại khoáng sản nào có giá trị ngoài các loại như than bùn, đá xây dựng (loại đá đen), cát nén, đá quánh. Diện tích rừng tự nhiên ở huyện Phú Quý là 12,69ha, chủ yếu ở khu vực núi Cấm; rừng phòng hộ được trồng tập trung một số khu vực những năm qua được trên 185 ha, chủ yếu phi lao, keo lá tràm, thí điểm trồng 2 ha rừng ngập mặn. Đảo Phú Quý được bao bọc chung quanh bởi biển cả bao la, ngư trường rộng lớn, nguồn tài nguyên biển rất đa dạng và phong phú về số lượng và chủng loại. Tuy nhiên, qua thời gian cùng với những biến đổi như dân số tăng, khí hậu, điều kiện đời sống dân sinh trên đảo tác động… làm cho các hệ sinh thái biển khu vực ven bờ trở nên suy giảm, có nguy cơ bị phá huỷ, cạn kiệt. Diện tích đất trên đảo đã hẹp, ngày càng sẽ thu hẹp hơn do dân số tăng nhanh; đất sản xuất nông nghiệp từng bước giảm dần do đưa vào sử dụng mục đích phi nông nghiệp như phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị hoá, khu dân cư. Quá trình đô thị hóa đã làm cây xanh trên đảo giảm đi đáng kể; việc khai thác đất, đá, cát ở ven biển trái phép của một bộ phận nhân dân là điều kiện cho sóng biển tiếp tục lấn sâu vào nội đảo; việc khai thác không tiết kiệm nguồn nước mạch vào các mục đích canh tác nông nghiệp, sản xuất chế biến và một số hoạt động khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trữ lượng nguồn nước ngầm, nguy cơ đe doạ đến điều kiện sống tất yếu của nhân dân trên đảo…

Nhận thức về nguy cơ, tác hại do tình hình biến đổi khí hậu và môi trường ô nhiễm sẽ tác động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân trên đảo; trong những năm qua, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường của huyện đảo từng bước có chuyển biến tích cực; từng cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp, các ngành và các đoàn thể nhân dân địa phương luôn ý thức trách nhiệm, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý khu vực môi trường bị ô nhiễm. Kịp thời triển khai thực hiện tốt việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và cụ thể hoá thực hiện sát hợp với tình hình địa phương. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường vai trò trách nhiệm các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường như: ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý môi trường trên địa bàn huyện; chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó tuyệt đối nghiêm cấm dưới mọi hình thức các hoạt động khai thác, đánh bắt nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái biển bằng phương pháp huỷ diệt; nghiêm cấm việc khai thác cát, san hô nơi bờ biển; cấm khoan, đào giếng tự phát, trái quy định và cấm việc đúc đá táp lô dùng để xây dựng; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng pháp luật môi trường đến người dân trên toàn huyện; kịp thời xử lý chấn chỉnh, phản ánh những hành vi phá hoại môi trường ở địa phương… qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội, ngày càng chủ động, xác định rõ hơn vị trí, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội tại địa phương theo hướng bền vững.

Được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, những năm qua hệ thống kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội trên đảo được đầu tư phát triển; đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm như: hạ tầng công sở, trường học, bệnh viện, trạm y tế, bến cảng, các tuyến đường đôi, đường vành đai, liên xã, kè chống biển xâm thực, chống xói lỡ, khu neo đậu tàu thuyền phòng trú bão, Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt là hệ thống phong điện… với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Kinh tế của huyện từng bước phát triển ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế nội huyện tăng bình quân hàng năm khoảng 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng hiện chiếm 44%, nông - lâm - thuỷ sản chiếm 33,3%, dịch vụ 22,7%. Kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện và được tập trung đầu tư phát triển với tốc độ nhanh cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, sản suất chế biến và nuôi trồng. Tổng số thuyền máy hiện có gần 1.300 chiếc; sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại hàng năm đều tăng (bình quân đạt 20 ngàn tấn/năm); nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế vườn - chuồng đạt hiệu quả; chủ động làm tốt việc gieo ươm, nhân giống, trồng rừng, cây phân tán, nâng cao tỷ lệ che phủ hàng năm…Bên cạnh đó, các phong trào thi dua yêu nước, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã mang lại kết quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo, nâng cao đời sống nhân dân...

Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương còn chậm, có mặt hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Một số cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ tài nguyên môi trường còn bất cập, chưa cụ thể hoá theo mục tiêu trọng tâm và từng giai đoạn phù hợp điều kiện, tình hình, đặc điểm ở địa phương, đơn vị; quá trình triển khai thực hiện chưa thường xuyên và coi trọng công tác giám sát, kiểm tra; chất lượng, hiệu quả thực hiện chưa đạt cao. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho tiến trình phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách công tác bảo vệ môi trường các cấp chưa được củng cố ổn định, còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực tiễn, chưa thường xuyên được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao. Điều kiện về cơ chế chính sách, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường của địa phương còn hạn chế. Công tác xã hội hoá, nâng cao nhận thức các đối tượng xã hội trên lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phổ biến, định hướng và tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức.

Cụ thể hoá Quyết định số 2045/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Bình Thuận đến năm 2020; theo đó, huyện đảo Phú Quý đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm nhằm quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường tự nhiên, thúc đẩy tiến trình phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, đảm bảo nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong đó xác định các nhiệm vụ chiến lược cần tập trung thực hiện, đó là: chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường; bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...

 

                                                                               KỲ DANH


  • |
  • 1801
  • |

Các tin khác