Kỷ niệm 122 năm, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2012) tọa đàm học tập phong cách Hồ Chí Minh

  • /
  • 24.5.2012 - 8:49

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn nhớ về Ngày sinh của Bác Hồ với tấm lòng trân trọng và vô cùng thành kính. Bác có công lao vô cùng to lớn, đó là đem lại sự hồi sinh cho dân tộc ta, đưa đất nước ta từ nô lệ, lầm than trở thành một đất nước độc lập, tự do. Nhưng cái to lớn và vĩ đại hơn cả là những tư tưởng, đạo đức, phong cách, tính nhân văn sâu sắc của Người mãi mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ.

 

Nhân dịp này, Ban Thường vụ huyện uỷ Phú Quý long trọng tổ chức họp mặt kỷ niệm lần thứ 122, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2012), cùng ôn lại thân thế, sự nghiệp và cuộc đời cách mạng sáng ngời của Bác gắn với toạ đàm chủ đề “Chấn chỉnh, đổi mới phong cách làm việc, hội họp, ứng xử theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và gặp mặt các tập thể, cá nhân là những điển hình tiêu biểu được tôn vinh từ các tổ chức, địa phương, đơn vị trong Đảng bộ huyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thời gian qua.

Mỗi người dân Việt Nam đều sâu sắc khắc ghi: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam; một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Cộng sản Quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Người được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc phong tặng danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà Văn hóa lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi đã để lại cho lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta một thời đại rực rỡ nhất, đó là: Thời đại Hồ Chí Minh; để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một tài sản tinh thần vô giá, đó là: Tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Trong di sản tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Người, có cả một hệ thống những chỉ dẫn khoa học về cách thức, biện pháp, bước đi trong thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc không chỉ tính khoa học, cách mạng mà còn có nhiều luận điểm bổ sung từ góc độ đạo đức, văn hoá, nhân văn. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm tất yếu của cách mạng Việt Nam, là sự kết tinh trí tuệ của dân tộc và thời đại, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Người, chúng ta càng hiểu rõ hơn về cuộc đời cách mạng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng dịp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng hoạch định tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được bổ sung, phát triển năm 2011. Đó là tấm lòng tri ân sâu sắc của toàn dân tộc đối với công lao vĩ đại của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong thời gian qua, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai sâu rộng trong các tổ chức của hệ thống chính trị và toàn xã hội và đã tạo được những chuyển biến quan trọng. Để phát huy những kết quả đó, trách nhiệm của mỗi cấp uỷ, các tổ chức đảng, Mặt trận và các đoàn thể, địa phương, đơn vị, mỗi cán bộ đảng, viên, công chức, lao động, đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân cần phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với những nhiệm vụ về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người với ý đồ đen tối “lật đổ thần tượng Hồ Chí Minh”, đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ định con đường cách mạng Việt Nam... Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta là bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Đó chính là sự bảo vệ đúng đắn nhất chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta, vững bước đi theo con đường của Hồ Chí Minh đã chọn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong buổi họp mặt kỷ niệm và toạ đàm chủ đề “Đổi mới, chấn chỉnh phong cách làm việc, hội họp, ứng xử theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với trọng tâm yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, các địa phương, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp tập trung tư duy, nghiên cứu, phát biểu, tham luận, chỉ ra được những tồn tại, bất cập, hạn chế, yêu kém, làm cản ngại lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, cũng như có những đề xuất, biện pháp và giải pháp chấn chỉnh, đổi mới, thực hiện đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới về mặt phong cách lãnh đạo, quản lý, tổ chức, hội họp, ứng xử theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, các đại biểu càng hiểu rõ hơn về phong cách Hồ Chí Minh, được khái quát và thể hiện ở những đặc trưng chủ yếu, đó là: Phong cách quần chúng bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Bác có lòng tin vô tận đổi với quần chúng. Bác luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, và coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bác nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “gốc có vững, cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Bác nói: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì ta phải bỏ hoặc sửa lại...” Với lòng nhân ái bao la đối vởi quần chúng, Bác Hồ thâm nhập vào quần chúng bằng phong cách thật sự của người cán bộ quần chúng, với nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay rộng mở. Bác thường nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Phong cách làm việc khoa học: Bác Hồ dạy: “Gặp mỗi vấn đề phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”. Muốn quyết định đúng mọi vấn đề, trước hết phải “điều tra nghiên cứu rõ ràng”. Có nắm chắc tình hình thì đề ra chính sách mới đúng. Và mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, phải biết tổng kết rút kinh nghiệm để làm “khuôn phép” cho những công việc khác, coi đó là “chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”. Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, Bác dạy phải biết lựa chọn cán bộ và sử dụng cán bộ. Bác căn dặn phải chí công vô tư trong tuyển chọn, xem xét cán bộ, bố trí cán bộ. Bác phê phán gay gắt những bệnh ưa nịnh hót, ghét những người chính trực... Khi giao công tác cho cán bộ thì phải làm cho họ an tâm công tác, vui thú công tác. Quá trình người cán bộ thực hiện nhiệm vụ thì phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ trên xuống và từ dưới lên một cách có hệ thống. Có như vậy mới đánh giá được hoạt động của cán bộ, đảng viên và còn đánh giá được những chủ trương, chính sách đề ra có đúng hay không ? Phong cách làm việc thiết thực, cụ thể: Bác Hồ nghiêm khắc lên án bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh hình thức, khi ra chỉ thị, nghị quyết thì không gắn với điều kiện thực tế, không gắn với quần chúng và cơ sở. Trong chỉ đạo thực hiện thì không có kế hoạch, biện pháp cụ thể, không kiểm tra, kiểm soát, không tổng kết đúc rút kinh nghiệm. Bác chỉ rõ: Khi ra quyết định công tác, hay khi định ra cách tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng mà không đi sâu sát thực tế. Người kịch liệt phê phán những lối làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm được ít suýt ra nhiều, “để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại rỗng tuyếch”. Phong cách nêu gương: Bác Hồ nói: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm là một nội dung đạo đức truyền thống của dân tộc. Kế thừa truyền thống đạo đức của dân tộc, Bác Hồ đã nêu thành một nội dung của tư cách người cách mạng. Nói đi đôi với làm đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông, hoặc “nói một đàng làm một nẻo” của những kẻ cơ hội. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đàng làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe.Và thực chất, họ đã tự tước mất vai trò của người lãnh đạo.

 Tóm lại, phong cách Hồ Chí Minh bao gồm một hệ thống lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nền nếp trong tất cả các hoạt động, công tác, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt.v.v..  Đó là phong cách rất mẫu mực của người cách mạng, người cán bộ, đảng viên, nó gắn bó mật thiết với tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng. Nếu tư tưởng đường lối có tính quyết định nhất, thì phương pháp là những cách thức có tính nguyên tắc để đưa đường lối vào cuộc sống. Nhưng phương pháp chỉ được thực hiện thông qua hoạt động cụ thể của những con người cụ thể với những phong cách, trình độ khác nhau. Phong cách có liên quan chặt chẽ với đạo đức, đạo đức được thể hiện qua phong cách, qua phong cách có thể đánh giá được đạo đức,  đánh giá được nhân cách của một con người. Do đó, muốn xây dựng cho mình một phong cách mới, phong cách mang tính cách mạng và khoa học là công việc của mỗi người phải phấn đấu bền bỉ suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Chính phẩm chất cao đẹp đó, Người đã xây dựng cho mình phong cách làm việc mà Đảng ta đã trân trọng gọi là phong cách Hồ Chí Minh.

Hy vọng rằng, sau buổi họp mặt, toạ đàm, mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên sẽ tự điều chỉnh, tu dưỡng rèn luyện, xây dựng và thực hiện để mỗi ngày càng có hiệu quả hơn những chuẩn mực đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý, làm việc của tổ chức, bản thân mình theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

                                                                               Kỳ Danh

 

 


  • |
  • 1160
  • |

Các tin khác