1. Lịch sử Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng
Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng tiền bối có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà sự kiện có ý nghĩa quyết định chính là khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng toàn văn trên báo Nhân đạo ngày 16 và 17/7/1920. Từ đó, Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.
Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối lúc bấy giờ trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ…
Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền, như: Ban Huấn luyện, Bộ Tuyên truyền...; gồm đội ngũ những người làm công tác lý luận, những người làm công tác tuyên truyền, cổ động chính trị, những biên tập viên và phóng viên, những văn nghệ sĩ…
Những hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930. Sau Hội nghị thành lập Đảng, nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ta là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng. Ban Cổ động và Tuyên truyền đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân mít tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ.
Đặc biệt, vào ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 01/8” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ 01/8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với Nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.
Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ: Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành; tài liệu này khi được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc; và kể từ ngày 01/8 đến tháng 10/1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc. Ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi bị đưa đi đàn áp các cuộc biểu tình, mít tinh của Nhân dân.
Từ đó, ngày 01/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Và nhân kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống, ngày 1/8/2002 Ngành Tuyên giáo đã được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý “Huân chương Sao vàng”.
Như vậy, Ngày 01/8/1930 được coi là Ngày thành lập hay còn gọi là Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng. Nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.
2. Ý nghĩa Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng
Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc, đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng.
Trải qua lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng và đây là dịp để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đơn vị, địa phương và cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.
Là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Qua đó, góp phần củng cố, giữ vững trận địa tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và Nhân dân.
90 năm qua kể từ ngày thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân liên tục đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng rất coi trọng công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng của Đảng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân nhân.
Các cấp ủy đảng tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo; cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với ban tuyên giáo các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020) là dịp để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Trên tất cả các lĩnh vực công tác tuyên giáo đều có tác động đến tư tưởng, trí tuệ, tình cảm của con người một cách tinh tế, nhạy bén, đòi hỏi phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng với những yêu cầu ngày càng cao mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm để phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành Tuyên giáo, củng cố và tăng cường niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của Ngành Tuyên giáo và cuộc chiến đấu vinh quang của các thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để cán bộ Ngành Tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Tiếp tục đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo của Đảng trong tình hình mới
Từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta nói chung, công tác tuyên giáo của Đảng nói riêng, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; theo đó, cần nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, tổ chức của Đảng, đủ sức giải quyết các vấn đề mới, phức tạp do thực tiễn đặt ra. Công tác tuyên giáo góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; khẳng định và bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường đối ngoại, chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Toàn ngành Tuyên giáo của Đảng cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo và vai trò tham mưu chiến lược cho Đảng ở lĩnh vực công tác được giao; chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, phát hiện, xử lý các vấn đề tư tưởng chính trị, tâm trạng xã hội đặt ra; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học, giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội…
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính khoa học, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tuyên giáo. Nâng tính chiến đấu để đấu tranh có hiệu quả chống mọi âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nâng tính khoa học, tính thuyết phục, tính chiến đấu của công tác tuyên giáo là để giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng, giữ vững niềm tin, tạo sự đồng thuận, thống nhất, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động.
Người làm công tác tuyên giáo không chỉ vững vàng về bản lĩnh chính trị, mà còn phải tinh thông nghiệp vụ, sắc sảo về chuyên môn; gương mẫu trong đạo đức, lối sống; phải biết cách chuyển tải đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nội dung đúng đắn, phong phú, bằng phương thức phù hợp, sáng tạo, có sức truyền cảm, lan tỏa.
Trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền qyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đồng thời, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội; kịp thời phản ánh những nỗ lực và thành tựu mà các đảng bộ, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã đạt được; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội. Tập trung cao cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần xử lý, giải quyết có hiệu quả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng đều phải tự giác học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp ủy đảng, phải thường xuyên bám sát thực tiễn, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những băn khoăn, lo lắng của Nhân dân. Tập trung xử lý đúng đắn các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ, thiếu kỷ cương, ức hiếp Nhân dân, tha hóa đạo đức, lối sống. Đấu tranh phản bác có hiệu quả thông tin, quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng việc phát hiện, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.