(Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại Phòng Họp Huyện ủy Phú Quý)
Với điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương là vùng hải đảo xa đất liền, việc đầu tư cho xuất bản và công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn rất nhiều hạn chế; bên cạnh đó việc sáng tác và kế thừa văn học, nghệ thuật của người dân chưa cao, nhận thức về văn hóa đọc của một số người dân còn thấp,… đây chính là những rào cản trong công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật của huyện trong tình hình mới.
Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện: Có 01 Trung tâm văn hóa, 01 thư viện, 01 nhà truyền thống, 01 công viên,.. cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đối với cấp xã: Cả 03 xã đều được đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa đúng chuẩn theo quy định và có công viên; 10/10 thôn có nhà văn hóa được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, gắn với các công trình văn hóa, thể dục, thể thao của thôn. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở tư nhân cũng đã đầu tư các dịch vụ như sân bóng đá mi ni, các điểm vui chơi cho trẻ em,…
Nhìn chung, cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, hoạt động có hiệu quả, từng bước phát huy được công năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Công tác quản lý các thiết chế văn hóa được thực hiện khá tốt.
Tuy nhiên, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa cũng gặp những khó khăn hạn chế như: Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các thiết chế văn hóa còn ít; công tác vận động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Một số mhà văn hóa thôn chưa phát huy hết chức năng hoạt động. Cán bộ phụ trách cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ có mặt còn yếu. Công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch, bố trí đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa còn khó khăn. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đã được chỉ ra, thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra một số giải pháp trọng tâm:
Một là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc quan tâm đầu tư và mời gọi đầu tư xây dựng các công trình thiết chế văn hóa. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí trong việc xây dựng thiết chế văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Hai là: Tập trung phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa hiện có; gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và lợi ích của cộng đồng, khu dân cư. Tổ chức nhiều mô hình câu lạc bộ về văn hóa, văn nghệ nhằm thu hút người dân tham gia hoạt động.
Ba là: Quan tâm công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Bốn là: Tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa huyện, xã; tăng cường đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí hoạt động. Vận động xã hội hóa, từng bước thu hút đầu tư trong hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Năm là: Chú trọng công tác quy hoạch bảo đảm trong quy hoạch tổng thể chung của huyện./.