Đảo Phú Quý nằm trong khu vực thuộc vùng khí hậu hải dương nhiệt đới gió mùa; thường xuyên, trực tiếp bị tác động, ảnh hưởng xấu do biến đổi khí hậu, thiên tai như áp thấp, giông bão, lốc xoáy, triều cường, biển xâm thực… gây trở ngại, khó khăn lớn trong phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.
Trong 15 năm qua (1998 - 2012), quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa VIII (nghị quyết TW5) nói riêng; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ, UBND huyện, sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương và của tỉnh; Đảng bộ và nhân dân huyện đảo đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế khu vực và thế giới; âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng của các thế lực thù địch, diễn biến thời tiết xấu, biến đổi khí hậu… Kinh tế của huyện từng bước phát triển ổn định theo hướng bền vững; tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng hiện chiếm 44%, nông - lâm - thuỷ sản 33,3%, dịch vụ 22,7%; kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện và được tập trung đầu tư phát triển với tốc độ nhanh cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, sản suất chế biến và nuôi trồng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; tổng số tàu thuyền hiện có 1.274 chiếc; sản lượng khai thác hải sản hàng năm đều tăng (bình quân đạt khoảng 20 ngàn tấn/năm); nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế vườn - chuồng đạt hiệu quả; chủ động làm tốt việc gieo ươm, nhân giống, trồng rừng, trồng cây phân tán, nâng cao tỷ lệ độ che phủ hàng năm... Hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao, thông tin tuyên truyền được phát triển; các lễ hội truyền thống được mở rộng về quy mô, hình thức phong phú, đa dạng. Các chính sách xã hội được quan tâm. Chất lượng sự nghiệp giáo dục được nâng lên đáng kể. Chương trình y tế quốc gia và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được triển khai thực hiện tốt. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt nhiều kết quả. Nhiệm vụ quân sự - quốc phòng - an ninh luôn được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội chuyển biến tích cực; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì, đẩy mạnh; thế trận lòng dân được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng luôn được củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên gắn với thực hiện có kết quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Quán triệt, tiếp thu và nhận thức tầm quan trọng của nghị quyết, các cấp uỷ địa phương đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền và Chương trình hành động cụ thể hoá thực hiện nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ một cách chu đáo, sát hợp, thiết thực. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết TW5, các cấp uỷ cũng đã nghiêm túc, kịp thời triển khai quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy ban hành liên quan đến xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các hội nghị tổng kết năm và đặc biệt trong văn kiện chính trị Đại hội Đảng bộ các cấp theo nhiệm kỳ đều có kiểm điểm, đánh giá và nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa. Qua học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương, đã giúp cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững đất nước; xác định quan điểm Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp văn hóa tại địa phương; nhất là chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát triển nguồn lực con người, phấn đấu có 5 đức tính tốt đẹp mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra. Trọng tâm là giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao về nhận thức chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống; khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, yêu dân tộc; nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; nâng cao ý thức trách nhiệm công dân đối với đất nước, với xã hội và cộng đồng; đặc biệt coi trọng việc giữ gìn và phát huy những giá trị, đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nhất là bảo tồn và phát huy giá trị đạo đức gia đình truyền thống và tính đặc trưng cơ bản của gia đình hạt nhân; góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo mối quan hệ nhân ái, nghĩa tình trong bà con làng xóm.
Nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa trên địa bàn ngày càng được huy động tăng cường. Huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng phát triển đời sống văn hoá tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Trong các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, luôn ưu tiên quỹ đất, nguồn kinh phí ngân sách để đầu tư các công trình, hạng mục thiết chế văn hoá - xã hội. Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và từ nguồn ngân sách địa phương; đồng thời thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, từ năm 1998 đến nay, huyện đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng một số công trình trọng điểm nhằm phục vụ và phát triển văn hoá, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển như: mở rộng, nâng cấp và phát triển mới các tuyến đường giao thông nội huyện, cảng biển, kè chống biển xâm thực, ngăn xói lở; khu neo đậu tàu thuyền, phòng tránh, trú bão; trường học, bệnh viện, trạm y tế xã, công trình điện, cấp nước sinh hoạt; đài truyền thanh - truyền hình, hệ thống truyền hình cáp, trung tâm văn hoá thể thao huyện, trung tâm văn hoá các xã, nhà làm việc, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, bưu điện văn hoá xã, khu bia tưởng niệm các liệt sĩ, đuốc Bác Hồ (núi Cấm), công viên, hoa viên, các tiểu hoa viên cây xanh… Đài truyền hình huyện tổ chức tốt việc tiếp, phát sóng các chương trình phát thanh - truyền hình của Đài tỉnh (BTV), các Đài Trung ương (VTV1, VTV3), Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV7, HTV9); 3/3 xã đều có trạm truyền thanh, thu phát sóng FM và lắp đặt hệ thống loa (không dây) tại địa bàn dân cư các thôn; trang thông tin điện tử của huyện được đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động… cơ bản đã thông tin, phản ánh kịp thời các lĩnh vực hoạt động đến nhân dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được phát triển mạnh; hầu hết các xã, thôn trong huyện đều có đội văn nghệ quần chúng, tụ điểm, câu lạc bộ hát với nhau, tổ đội nhóm theo sở thích. Bước đầu xây dựng, phát triển câu lạc bộ đờn ca tài tử; từng bước khôi phục, phát triển các đoàn tuồng hát bộ địa phương. Huyện đầu tư sáng tác phát hành tập ca khúc, đĩa nhạc CVD hát về biển, đảo Phú Quý (34 ca khúc), phối hợp tổ chức cầu truyền hình “Phú Quý - Biển mặn, tình nồng”; hàng năm, nhiều đoàn nghệ thuật ca múa nhạc tạp kỹ đã đến đảo biểu diễn, đáp ứng phần nào nhu cầu hưởng thụ sống văn hoá tinh thần nhân dân.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa mới luôn được các cấp uỷ Đảng quan tâm, thực hiện tốt phương châm “xây” đi đôi với “chống”, trong đó lấy “xây” làm chính. Những năm qua, các địa phương trên huyện đã khôi phục, duy trì tổ chức hàng năm một số lễ hội truyền thống như: Lễ cầu ngư, Lễ tế thu (Xuân - Thu nhị kỳ), kỵ Cố, kỵ Bà Chúa, kỵ Thầy, tổ chức rước sắc, nghinh thần, hát bùa (tiểu ca), hát bộ, múa tứ linh, long lân, múa cọp, chèo bá trạo và một số trò chơi dân gian khác; nhất là khôi phục và phát triển giải đua thuyền truyền thống vào địp Tết cổ truyền dân tộc hàng năm. Trên địa bàn huyện hiện có tổng số 35 công trình kiến trúc, di sản văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng; trong đó có 02 di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia (Vạn An Thạnh và Chùa Linh Quang); 07 di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh (Đền thờ Công chúa Bàng Tranh, Đình làng Long Hải, Dinh Thầy Sài Nại, Đền thờ Bà Chúa Ngọc - Vạn Thương Hải, Đình Làng Triều Dương, Đình Vạn Hội An và Vạn Mỹ Khê). Công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá được quan tâm, nhân dân tích cực tham gia đóng góp cùng chính quyền xây dựng, sửa chữa trường mẫu giáo, trạm y tế, các công trình văn hoá - thể thao, xây dựng nông thôn mới; nhất là nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia vận động đóng góp tài lực xây dựng công trình Đuốc Bác Hồ trên núi Cấm; 3 lần đóng góp kinh phí bắn pháo hoa tầm thấp vào dịp giao thừa (không sử dụng ngân sách địa phương); mạnh dạng đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện để phát triển một số loại hình hoạt động văn hoá như: câu lạc bộ hát với nhau, điểm chiếu video, karaoke…Việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy di tích lịch sử văn hoá luôn nhận được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân; thời gian qua nhiều tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng đã đầu tư trên 12 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích đúng theo quy định của Nhà nước. Thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng của đồng bào các tôn giáo, những năm qua hệ thống chính trị các cấp luôn chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân và đồng bào có đạo. Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ đồng bào theo đạo xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, ý thức làm chủ, xây dựng môi trường văn hóa, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện sống “tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, tăng cường sự đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo trên địa bàn; bảo đảm cho các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ pháp luật; kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tôn giáo, hỗ trợ và tạo điều kiện tổ chức các ngày lễ trọng của các tôn giáo diễn ra tốt đẹp. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tôn giáo phát huy ý tưởng công bằng, bác ái, vị tha và hoạt động hướng thiện, nhân đạo.
Công tác giáo dục đào tạo luôn được ưu tiên quan tâm phát triển, có kế hoạch, quy hoạch đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô, kiên cố cơ sở vật chất, trường lớp. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi vào mẫu giáo và lớp 1 đạt 100%, lớp 6 đạt 99%; tốt nghiệp THPT luôn đạt cao; duy trì giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; 2/3 xã đạt chuẩn phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên. Đa số cán bộ, công chức trong huyện đã đạt chuẩn trình độ theo quy định. Trong đó, đội ngũ giáo viên các cấp, bậc học hầu hết đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn; một số cán bộ, giáo viên, bác sĩ đạt trình độ trên đại học; đội ngũ trí thức trẻ (tuổi bình quân 36,56) chiếm trên 70% (trong đó, dưới 30 tuổi là 38,67%; từ 30 - 40 tuổi 33,49%). Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa các cấp ở địa phương ngày càng được quan tâm xây dựng, có sự trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới…
Phong trào thi đua yêu nước, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân triển khai thực hiện, tạo chuyển biến tích cực và kết quả thiết thực trên các lĩnh vực. Thông qua các phong trào: Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; đền ơn đáp nghĩa; bảo vệ an ninh Tổ quốc; giữ gìn trật tự văn minh đô thị, nơi công cộng; xây dựng khu dân cư, hộ gia đình không có tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; phong trào thanh niên 5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; sống đẹp, sống có ích; phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; gia đình hiếu học…góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khôi phục và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) tại địa phương vẫn còn những tồn tại hạn chế: một số cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và có sự vận dụng sát hợp tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện nghị quyết. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện của các cấp ủy chưa thường xuyên, kịp thời. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc còn nhiều hạn chế. Đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế và nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, đa dạng của nhân dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết chế phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch còn khó khăn, bất cập. Hoạt động phát triển sự nghiệp văn hoá ở địa phương chưa đồng bộ, thiếu chiều sâu. Công tác quản lý Nhà nước về văn hoá còn mặt hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm văn hóa trên địa bàn nhìn chung chưa được chuẩn hóa về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, còn thiếu và yếu, chưa làm tốt công tác tham mưu.
Phát huy kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém; trong thời gian tới Đảng bộ và nhân dân huyện đảo tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW5 (khóa VIII), Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) và Chương trình hành động số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Quán triệt quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”; làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, vào từng người, từng gia đình, tập thể, cộng đồng, địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, góp phần tích cực xây dựng con người Việt Nam “Phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức”; phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
KỲ DANH
(Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Quý)