Thường xuyên, kịp thời quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước có liên quan đối với vấn đề trẻ em và công tác trẻ em, được cụ thể hoá bằng chương trình, đề án, kế hoạch, mô hình hoạt động, từng bước đưa mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chỉ tiêu thi đua - khen thưởng của địa phương… mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân được duy trì đẩy mạnh, thu hút các đối tượng nhân dân quan tâm, tác động sâu sắc và tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, ban ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, trong cộng động và từng gia đình, ý thức xác định về vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của công tác trẻ em, dành sự quan tâm hơn trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tích cực hưởng ứng tham gia hành động vì tương lai của trẻ em, đồng thời tỏ rõ thái độ kịch liệt lên án, phản đối mọi thái độ, hành vi xâm hại, ngược đãi trẻ em.
Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình hành động vì trẻ em, các hoạt động tăng cường trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tuy có triển khai thực hiện nhưng vẫn chưa đạt cao theo yêu cầu. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn cao. Đời sống văn hóa tinh thần, cơ sở vật chất, các thiết chế, địa điểm, khu vui chơi giải trí, loại hình trò chơi cần thiết… cho trẻ em còn thiếu thốn. Tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng có chiều hướng gia tăng, nhất là THCS; mặt trái của nền cơ chế thị trường hội nhập, vấn đề đạo đức xuống cấp và những tiêu cực xã hội phát sinh đã tác động không ít đến đến nhận thức đạo đức các em, dẫn đến tình trạng một số trẻ em đã có những biểu hiện hành vi vi phạm pháp luật. Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp và từng cán bộ, đảng viên chưa thấy hết tính cấp thiết về tình hình trẻ em; chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đó chính là đặc trưng, tính ưu việt của chế độ xã hội, đồng thời là việc chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tương lai cho sự phát triển bền vững của địa phương. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai tổ chức thực hiện ba môi trường giáo dục “gia đình - nhà trường - xã hội” trong công tác trẻ em thiếu chặt chẽ và đồng bộ; công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư, nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, dự án, xây dựng các khu hoạt động vui chơi giải trí cho các đối tượng trẻ em tại các địa bàn địa phương chưa được quan tâm và thực hiện kịp thời. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đối với các cấp, các ngành, địa phương còn hạn chế. Đoàn Thanh niên các cấp chưa phát huy đúng mức vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình trong và ngoài nhà trường, ở địa bàn dân cư trong việc tổ chức, tập hợp, tuyên truyền, vận động, giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động và phát triển công tác thiếu niên, nhi đồng tại địa phương.
Nhằm quán triệt, triển khai và cụ thể hoá thực hiện có kết quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) và Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 23/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; huyện đảo Phú Quý đã đề ra kế hoạch với mục tiêu trọng tâm và từng nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thời gian thực hiện cụ thể; qua đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với các cấp, các ngành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu vì lợi ích tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và đạo đức của trẻ em; làm thay đổi nhận thức và hành động trong từng cấp uỷ, tổ chức Đảng, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề trẻ em và công tác trẻ em; về tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; hiểu rõ việc đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai, xem đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương trong giai đoạn cách mạng mới; tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và các quyền cơ bản của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, bắt trẻ em phải lao động sớm; xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em trong huyện có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện về mọi mặt, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, để thực sự là nguồn nhân lực nội sinh phong phú, là chủ nhân tương lai để xây dựng và phát triển vững mạnh quê hương, đất nước./.
KỲ DANH