Qua học tập, quán triệt đã nâng cao nhận thức và hành động các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 29-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 136-KH/HU của Huyện ủy; xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng văn hóa và con người Phú Quý phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Ngăn chặn có hiệu quả suy thoái về tư tưởng chính trị; đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội; hạn chế đến mức thấp nhất các biểu hiện thiếu văn hóa trong đời sống xã hội, hình thành cơ bản các nền nếp, chuẩn mực các giá trị văn hóa trong Đảng, chính quyền, trong hệ thống chính trị, trong gia đình và trong cộng đồng; thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa hải đảo với đất liền; phấn đấu đến năm 2020, đầu tư cơ bản đủ, chất lượng và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cấp huyện và cơ sở. Quá trình triển khai thực hiện có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, bước đầu có những chuyển biến tích cực trong thực hiện những nhiệm vụ đã xác định.
Về xây dựng con người Phú Quý phát triển toàn diện đã được các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong huyện quan tâm thực hiện; các hoạt động văn hóa - xã hội được đẩy mạnh, chú trọng chăm lo, hướng đến xây dựng con người Phú Quý phát triển toàn diện, kể cả đạo đức, nhân cách, tri thức và thể lực, gắn với thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo, từ thiện. Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền trẻ em tham gia vào các vấn đề trẻ em trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020; ngành giáo dục - đào tạo và Đoàn Thanh niên các cấp ở địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục thanh thiếu niên, học sinh về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tôn trọng pháp luật, tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của con người Phú Quý “Thật thà, chất phát, nhân hậu, hiếu khách, thân thiện, đoàn kết, nghĩa tình, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và có tinh thần xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh”; thường xuyên phối hợp tổ chức thực hiện chương trình ngoại khóa, hướng dẫn cho học sinh tham quan, sinh hoạt, học tập thực tế tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện, giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển văn hóa con người Phú Quý xưa và nay. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sát hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân duy trì, phát động triển khai thực hiện ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả và đi vào thực chất hơn; hàng năm, có 100% hộ gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”, phát triển mô hình “Dòng họ hiếu học”.
Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trọng tâm là xây dựng mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, đoàn kết, dân chủ, văn minh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống gắn với việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt, mang lại kết quả thiết thực; vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được phát huy, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong tập thể và quần chúng nhân dân; hàng năm, có từ 90% trở lên thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, trên 95% đạt gia đình văn hóa, 97% trở lên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đạt chuẩn văn hóa; năm 2016, 3/3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Ban Chỉ đạo công tác gia đình của huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò, trách nhiệm hoạt động; kịp thời tham mưu, phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ, các ban, tổ nữ công và Hội Phụ nữ các cấp triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1928/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020, góp phần xây dựng và phát huy đúng mức vai trò, tầm quan trong của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục đạo đức, nếp sống cho con người; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, văn minh, nền nếp; phát huy và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau; gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Ngành giáo dục địa phương tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo để học sinh noi theo; phấn đấu xây dựng nâng dần số lượng trường học đạt chuẩn (hiện có 5/15 trường đạt chuẩn); theo đó, xây dựng mỗi trường học thực sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Từng cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị; kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung “xây, chống”, quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, “nêu gương” và “gương mẫu thực hiện”, góp phần chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, đơn vị, địa phương; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức cách mạng, tận tụy, trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xác định đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.
Vấn đề phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa được quan tâm tập trung đầu tư gắn với tiến trình phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử đã được Nhà nước công nhận([1]); thực hiện tốt Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hàng năm; đồng thời từng bước phát huy có hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, bảo đảm môi trường sinh thái, phát triển bền vững huyện nhà; công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được đẩy mạnh, góp phần giáo dục, nâng cao văn hóa, tinh thần, truyền thống cách mạng cho các đối tượng xã hội địa phương. Hoạt động văn hóa nghệ thuật được duy trì, phát triển và phát huy tốt hiệu quả trong đời sống xã hội; những giá trị văn hóa sáng tạo của quần chúng nhân dân, cộng đồng dân cư được coi trọng và khuyến khích phát huy, góp phần xây dựng, bồi đắp nhân cách, tâm hồn người dân địa phương; một số hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao dân gian truyền thống được phục dựng, bổ sung và nâng dần chất lượng([2]); hoạt động thông tin cổ động, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng được đẩy mạnh, thu hút nhiều thành phần, nhiều đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật được mở rộng, hàng năm tổ chức nhiều chương trình “hát với nhau”, có nhiều đoàn ca múa nhạc tạp kỹ, hội chợ, triển lãm, thực hiện chương trình giao lưu biển, đảo quê hương tại địa phương.
Đầu tư nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở([3]); làm tốt công tác quy hoạch, phát triển các lĩnh vực văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh, đa dạng của các tầng lớp nhân dân trong huyện; tăng cường đúng mức công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh, kịp thời và đúng pháp luật mọi hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực đời sống, văn hóa - xã hội([4]); góp phần tạo ý thức, trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội trong việc chấp hành pháp luật với phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, với mục tiêu hướng đến xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ và phát triển; tăng cường và thực hiện có kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; từng bước khắc phục và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nói chung, lĩnh vực văn hóa nói riêng trong cán bộ, đảng viên; huyện kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển toàn diện huyện Phú Quý trong chiến lược phát triển kinh tế, chống xâm thực nước biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định số 667/QĐ-UBND, ngày 05/3/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh; ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp (huyện, xã) được chú trọng; đến nay, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa địa phương đều đạt chuẩn về nghiệp vụ chuyên môn (từ cao đẳng đến đại học) và tiếp tục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, giáo dục, rèn luyện phẩm chất, lối sống, đạo đức nghề nghiệp. Hàng năm, ngân sách đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa được cân đối tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế của địa phương; đồng thời thực hiện xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa theo đúng định hướng; nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia kinh doanh phát triển các loại hình dịch vụ, hoạt động văn hóa phù hợp.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với lĩnh vực văn hóa được phát huy tăng cương; xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và của toàn xã hội đối với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa và phát triển con người Việt Nam; chú trọng xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, văn hóa trong Đảng; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện; đồng thời, lấy kết quả triển khai xây dựng văn hóa và con người Việt Nam thành một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá, phân loại tổ chức đảng hàng năm...
Tuy nhiên, việc quán triệt, triển khai các nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định: Công tác quán triệt, tuyên truyền, chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương chưa đồng bộ; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa được chú trọng đúng mức; mặt trái của nền kinh tế thị trường hội nhập và sự phát triển nhanh trong đời sống kinh tế, xã hội địa phương ít nhiều đã tác động ảnh hưởng, phát sinh các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận nhân dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên; mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương tuy những năm gần đây được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với các địa phương khác trong tỉnh.
Phát huy kết quả thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế; thời gian tới, huyện đảo Phú Quý tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả Chương trình hành động số 29-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch của Huyện ủy với nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với phát triển sự nghiệp văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hoá. Xây dựng, phát triển con người văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp tình hình mới. Xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hoá..../.
([1]) Hiện trên địa bàn huyện có tổng số 35 di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; trong đó có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 7 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thủ tục hồ sơ để tiếp tục đề nghị các cấp công nhận di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
([2]) lễ hội “Cầu ngư, tế Thu”; hát bộ, hát bùa, hát chèo bá trạo; đờn ca tài tử, cải lương; đua thuyền, lắc thúng và nhiều trò chơi dân gian khác.
([3]) Đến nay, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và các xã, nhà văn hóa các thôn được xây dựng đạt chuẩn và được trang bị cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa bảo đảm hoạt động có hiệu quả.
([4]) Đội kiểm tra liên ngành 814 của huyện và các xã tổ chức trên 80 đợt kiểm tra ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: dịch vụ Karaoke, Internet, nhà nghỉ, nhà trọ, các tệ nạn xã hội...