Tuy nhiên, tình hình vi phạm các hoạt động trên vẫn còn xảy ra; công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa được xem trọng; tình trạng khai thác đánh bắt hải sản “tận diệt” đã làm phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống và làm cạn kiệt các loài thủy sản, nhất là hệ sinh thái gần bờ; tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản trên địa bàn huyện vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ cao, việc xâm phạm trái phép lãnh hải nước ngoài để khai thác hải sản vẫn còn xảy ra (Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 5 vụ với 12 thuyền/190 lao động bị các nước bắt giữ, trong đó có 02 thuyền trưởng bị phạt tù 03 năm, 02 phương tiện bị tịch thu. Đáng chú ý, trong năm 2014 lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang 01 vụ tàng trữ, mua bán, vận chuyển vật liệu nổ và 01 vụ tàng trữ công cụ hỗ trợ vật liệu nổ; nhất là, xảy ra vụ nổ vào ngày 01/6/2016 tại nhà ông Nguyễn Văn Bé, sinh năm 1982, thường trú tại thôn Quý Hải, xã Long Hải đã làm 05 người (03 nam, 02 nữ) bị thương, 49 ngôi nhà bị hư hỏng, tổng thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng, kết quả khám nghiệm, điều tra hiện trường, ông Bé đã tàng trữ trái phép số lượng lớn vật liệu nổ, gồm 18,7 kg bột thuốc nổ TNT, 834 kíp nổ, trong đó có 700 kíp nổ đốt, 134 kíp nổ điện và 50 mét dây cháy chậm...). Tình hình trên là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng, làm hủy hoại nguồn lợi môi trường biển, tác động xấu đến các hệ sinh thái đặc thù, có nguy cơ tiệt chủng các loài hải sản, gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của con người, ảnh hưởng lớn đến công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, về thị trường xuất khẩu thủy sản và uy tín của nước ta trong hoạt động hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân chính là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương trong lĩnh vực này còn mặt hạn chế nhất định; sự phối hợp của các ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân nâng cao nhận thức chấp hành thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn tình trạng khai thác đánh bắt hải sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc hại, ngư cụ bị cấm và vi phạm trái phép lãnh hải nước ngoài chưa đồng bộ, sâu rộng và thường xuyên; một bộ phận nhân dân, chủ tàu thuyền nhận thức kém, không tuân thủ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tư tưởng hám lợi trước mắt, xem thường tính mạng và tài sản, vẫn còn liều lĩnh lén lút sử dụng chất nổ, chất độc hại và xâm phạm trái phép lãnh hải nước ngoài trong quá trình hành nghề khai thác hải sản; công tác quản lý Nhà nước của chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương chưa thật sự chặt chẽ, chưa có cơ chế quản lý, giám sát hành trình của tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ và hành nghề lặn biển; chưa tích cực, chủ động phối hợp đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, các biện pháp và chế tài chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm... Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngặn chặn, giảm thiểu đến chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc hại và vi phạm lãnh hải nước ngoài thiết nghỉ cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm đúng mức của các cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành có hiệu lực, hiệu quả của chính quyền; tinh thần tích cực, năng động, trách nhiệm và sự phối hợp đồng bộ trong thực thi công vụ của các ban, ngành chức năng; phát huy nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ở địa phương để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật trong nhân dân nâng cao nhận thức thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái biển, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
- Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền thường xuyên sâu rộng, đồng bộ trong các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân nắm rõ và thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản, Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg, ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới; Chỉ thị số 689/CT-TTg, ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và các văn bản chỉ đạo, triển khai có liên quan của Trung ương, của tỉnh và của huyện như: Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 33/2010/NĐ-CP, ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển; Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, ngày 25/4/2012 của Chính phủ về “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Quyết định số 188/QĐ-TTg, ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ một số chính sách về phát triển thủy sản; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP, ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước CHXHCNVN; Chỉ thị số 46/CT-UBND, ngày 27/8/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận về hỗ trợ và hướng dẫn ngư dân tự nguyện thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển; Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 28/6/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ; Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 06/6/2012 của Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý về việc ngăn chặn tàu thuyền khai thác hải sản vi phạm lãnh hải nước ngoài; Chỉ thị số 31-CT/HU, ngày 26/11/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc ngăn chặn tình trạng dùng chất nổ, chất độc hại đánh bắt hải sản... Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị các cấp và cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ý thức xác định rõ việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy sản, đe dọa tính mạng, tài sản, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu có hiệu quả, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản và việc khai thác hải sản vi phạm lãnh hải nước ngoài.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo đảm môi trường, giữ gìn, tái tạo, phát triển hệ sinh thái biển, nhất là khu vực gần bờ; nâng cao ý thức trách nhiệm tự giác, tự quản, tự phòng trong các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân; kịp thời cảnh báo, phát hiện, tố giác và xử lý triệt để nghiêm minh đúng pháp luật mọi hành vi sử dụng chất nổ, chất độc hại, xung điện, ngư cụ bị cấm trong khai thác hải sản và vi phạm lãnh hải nước ngoài trong quá trình khai thác hải sản.
Có kế hoạch, quy hoạch, xây dựng các mô hình quản lý và đưa vào hoạt động các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân, lao động biển các quy định về vùng cấm, thời gian cấm, ngư cụ cấm và đối tượng thủy sản cấm khai thác nhằm phục hồi các hệ sinh thái tại các thủy vực tự nhiên... Tập trung thực hiện tốt chủ trương, định hướng và chính sách khuyến khích thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, nhất là những ngành nghề khai thác ven bờ, nghề lặn, đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản, gắn khai thác, nuôi trồng với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường biển. Trong phát triển nuôi trồng thủy sản, chú trọng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, đầu tư công nghệ, kỹ thuật nuôi, giống, chế biến, làm tiền đề cho thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp, giảm áp lực khai thác nguồn lợi ven bờ. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản làm động lực phát triển khai thác và nuôi, trồng thủy sản - nhân tố quan trọng để ổn định sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho ngư dân. Chú trọng tổng kết, đánh giá các mô hình tổ, đội, hợp tác sản xuất trên biển ở địa phương, có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ lao động; đồng thời, phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phát triển mô hình đồng quản lý nhằm nâng cao tính chủ động, tự giác, sáng tạo của ngư dân trong sản xuất và chế biến hải sản; phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị hải sản, nâng cao hiệu quả đánh bắt của ngư dân...., tạo thêm động lực giúp bà con yên tâm đẩy mạnh sản xuất, bám biển, bám nghề, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, môi giới và sử dụng trái phép chất nổ, xung điện, chất độc hại, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản dưới mọi hình thức ở tất cả các vùng nước. Làm tốt công tác vận động quần chúng, nâng cao năng lực, trinh độ, kỹ năng trinh sát nghiệp vụ nắm tình hình, tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát hành chính trên các khu vực, địa bàn cơ sở, cảng biển, các phương tiện tàu thuyền có dấu hiệu nghi vấn... nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các trường hợp tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất nổ, chất độc hại theo quy định của Pháp luật.
- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật Việt Nam liên quan đến các vùng biển và hoạt động nghề cá trên biển và các chủ trương của Nhà nước ta liên quan đến việc hợp tác quốc tế về đánh bắt hải sản giữa các nước trong khu vực đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện; thông báo kịp thời cho ngư dân những vấn đề, quy định mới của các nước liên quan trên biển để ngư dân biết, chủ động trong việc lựa chọn ngư trường và cách thức khai thác hợp lý; vận động khuyến khích ngư dân tích cực tham gia khai thác hải sản tại các vùng biển xa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, nhất là đối với hai vùng ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để khẳng định sự hiện diện dân sự và thực hiện “chủ quyền dân sự” trên các vùng biển và các đảo của Việt Nam, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước; có biện pháp quản lý chặt chẽ tàu cá, đặc biệt đối với tàu cá đánh bắt xa bờ; yêu cầu, vận động chủ tàu, thuyền trưởng cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép; tuyên truyền, giáo dục ngư dân ý thức cảnh giác khi khai thác trong vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp để không xâm phạm lãnh hải các nước dẫn đến tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, tịch thu, đánh đấm tàu thuyền... qua đó, từng bước giảm thiểu, ngăn chặn đến chấm dứt tình trạng khai thác hải san xâm phạm lãnh hải nước ngoài.
Thiết lập và đưa vào vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin giữa tàu và bờ, nắm bắt kịp thời thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm an toàn sản xuất cho ngư dân. Thường xuyên phát động đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo gắn với phổ biến các quy định về quy chế khu vực biên giới biển; vận động ngư dân chủ động thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng khi phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam; động viên ngư dân yên tâm bám biển và tiếp tục nhân rộng các mô hình tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển theo Chỉ thị số 46/CT-UBND ngày 27/8/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận nhằm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ nhau, đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng và góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.
- Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết theo định kỳ; kịp thời tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ gìn tốt môi trường sinh thái biển, chuyển đổi cơ cấu, phát triển ngành nghề hoạt động thủy sản hợp lý, hiệu quả; thành tích trong đấu tranh ngăn chặn, phát hiện, tố giác và xử lý kịp thời hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các chất nổ, chất độc hại, xung điện, ngư cụ bị cấm trong khai thác hải sản; các tổ chức, cá nhân, tổ đội, thuyền trưởng, chủ tàu thuyền và ngư dân có thành tích trong việc tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cũng như kịp thời ngăn ngừa những hành vi vi phạm trái phép lãnh hải các nước trong quá trình khai thác hải sản trên biển; huy động mọi nguồn lực cộng đồng xã hội cùng chung tay quan tâm hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần nhằm ổn định sản xuất và đời sống đối với các gia đình ngư dân, chủ phương tiện không may bị sự cố, rủi ro, thiên tai, tai nạn lao động ngoài ý muốn bị thiệt hại về người, tài sản trong quá trình hành nghề trên biển.