Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước

Trong lịch sử cách mạng nước ta, ở bất cứ hoàn cảnh nào, các phong trào thi đua yêu nước luôn là điều kiện, động lực to lớn, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta vượt qua khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có thể nói, trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhờ kịp thời phát động, duy trì đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước cụ thể, thiết thực, phù hợp, hiệu quả, chúng ta đã phát huy được sức mạnh to lớn của cả dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để đi đến thắng lợi cuối cùng

68 năm qua, từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn quán triệt triển khai, nhận thức xác định rõ quan điểm, phương châm hành động cách mạng “Thi đua là yêu nước! Yêu nước thì phải thi đua! Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự sâu sắc; các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng qua các thời kỳ cách mạng, trong các tầng lớp nhân dân, động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn cuộc sống đã và luôn minh chứng, các phong trào thi đua yêu nước luôn hiện hữu, gắn bó mật thiết với cuộc sống và quyền lợi thiết thực của người dân, chính vì thế  đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Bởi vì, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phong trào thi đua cũng hướng đến và đạt cho được mục tiêu cách mạng mà Đảng và Nhà nước ta đề ra. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội ngập quốc tế; với mục tiêu: xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thông qua các phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Dân vận khéo”;  “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được phát huy, đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng… tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới.

Kết quả đạt được của các phong trào thi đua yêu nước có sự đóng góp tích cực của công tác thông tin, tuyên truyền. Công tác tuyên truyền đã góp phần tạo động lực, động viên và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, thực tế công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước còn mặt hạn chế, chưa được coi trọng đúng mức, chưa được duy trì tiến hành thường xuyên, liên tục. Việc phát hiện tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt chưa nhiều và kịp thời; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, các phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thể nhân dân tham gia tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên phong trào thi đua và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”; “Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để công tác thi đua thực sự trở thành động lực, phong trào hành động cách mạng của quần chúng trong giai đoạn mới, yêu cầu cấp bách đặt ra là cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực, hiệu quả theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; qua đó, vận động, tổ chức, động viên nhân dân tham gia mạnh mẽ các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần quyết tâm vượt khó vươn lên. Công tác tuyên truyền các phong trào thi đua phải được chú trọng đẩy mạnh, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; luôn đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, phù hợp, thiết thực, bám sát nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua với phương châm “chân thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện”, hướng tinh thần thi đua cụ thể, thiết thực, nhất là thực hiện ngày một tốt hơn, chất lượng, hiệu quả hơn những công việc thường xuyên hàng ngày; kịp thời phát hiện, tuyên truyền biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, tuyên truyền phổ biến rộng rãi các sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, sức lan toả, hiệu ứng tích cực trong toàn bộ hệ thống chính trị, động viên khích lệ cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần làm hạn chế, đẩy lùi các tiêu cực trong xã hội. 

Chú trọng tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác thông tin tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, để các phong trào thi đua thực sự trở thành động lực to lớn, động viên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2021.

  


Các tin khác