1. “Không gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp”
(i) Tuyên truyền, giáo dục nhận thức về công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, nhất là giáo dục đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân; xây dựng mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một cán bộ dân vận, “khéo” trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân, “khéo” trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
(ii) Tập trung giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn, không gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao tỷ lệ đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.
- Rà soát các quy định, thủ tục hành chính không phù hợp, gây bức xúc, khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ. Công bố, cập nhật, niêm yết công khai kịp thời, đầy đủ, cụ thể các quy định, quy trình về thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp. Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan Nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, dịch vụ công và các thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
- Thực hiện tốt các quy trình phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết các thủ tục hành chính đã công bố; tiếp tục xây dựng các quy trình liên thông, chia sẽ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, huyện nhằm hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải nộp nhiều loại giấy tờ, ảnh hưởng thời gian và nguồn lực của người dân, doanh nghiệp, xã hội, mặt khác từng bước khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo rút ngắn quy trình xử lý, công khai hóa và đơn giản hóa thủ thục hành chính. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, trong thực thi công vụ; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức quan liêu, nhũng nhiễu, phẩm chất kém.
- Xây dựng cơ chế để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được giám sát, chấm điểm, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức; khi bị phiền hà, hách dịch, nhũng nhiễu thì có nơi để trình bày và những phản ánh đó phải được lắng nghe, giải quyết.
(iii) Thực hiện việc “Cảm ơn” và “Xin lỗi”. Thường xuyên quán triệt, nâng cao ý thức thực hiện việc “xin lỗi” khi có sai sót vì không đúng hẹn, gây phiền hà cho dân, thể hiện tính văn minh công vụ, tinh thần trách nhiệm của cơ quan cung cấp thủ tục hành chính. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện việc “cảm ơn” và “xin lỗi; áp dụng biện pháp hành chính, xử lý kỷ luật, chuyển vị trí công tác, thậm chí buộc thôi việc,... đối với cán bộ, công chức vì nguyên nhân chủ quan không làm hết trách nhiệm, lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.
(iv) Xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức thân thiện, có trách nhiệm với nhân dân.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử, phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
- Thay đổi, bố trí, sắp xếp lại nơi làm việc của bộ phận tiếp công dân, nơi tiếp công dân, tiếp khách đảm bảo dể tiếp cận, sạch đẹp; công khai chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức để nhân dân giám sát.
- Duy trì và phát huy các hoạt động tư vấn thủ tục hành chính; thực hiện phần việc tình nguyện, các cải tiến, rút ngắn quy trình xử lý văn bản; phong trào nụ cười thân thiện; mô hình làm việc ngày thứ bảy tình nguyện...
- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, chú trọng phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan Nhà nước.
2. “Không xả rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt bừa bãi”
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo vệ môi trường([1]). Xây dựng khu dân cư không rác, phân loại rác sinh hoạt từ nguồn, hạn chế sử dụng các túi nilong; thường xuyên khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý chất thải. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, không xả rác nơi công cộng; bỏ rác ra đường phải đúng giờ, đúng nơi theo quy định. Tăng cường các phương tiện, điều kiện thu gom rác đạt hiệu quả; kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình thực hiện tốt phong trào “xanh - sạch - đẹp”.
- Tích cực, thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cơ quan, đơn vị sản xuất, địa điểm kinh doanh, khu dân cư, nơi công cộng...; từng cơ quan, đơn vị đăng ký các công trình, giải pháp cụ thể để tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn; cùng với chính quyền địa phương giữ gìn vệ sinh bên trong và bên ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị; từng cán bộ, công chức và người lao động tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và cam kết với cơ quan không dùng sản phẩm nhựa một lần, không thải ra môi trường rác thải nhựa.
- Vận động các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo cùng tham gia hưởng ứng với địa phương về tuyên truyền không xả rác bừa bãi ra đường, biển, sông hồ và chống rác thải nhựa; hạn chế việc rải, đốt vàng mã.
- Các khu dân cư, thôn, xã, phấn đấu và đạt tiêu chí “không xả rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt bừa bãi ra đường, biển, sông hồ”; công sở “văn minh, sạch đẹp, an toàn”; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc tuyên dương và phát động, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân.
3. “Không vi phạm Luật Giao thông đường bộ”
- Tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và nhân dân tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và tránh các vi phạm giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi ngược chiều, chạy xe trên vỉa hè, sử dụng rượu bia khi điều khiển giao thông, dừng, đổ xe không đúng nơi quy định; biết xin lỗi khi có va quẹt với tinh thần thượng tôn pháp luật; không bấm còi xe inh ỏi, không chen lấn tại đường đông đúc....
- 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị đăng ký và thực hiện không vi phạm Luật Giao thông. Phát động nét đẹp văn hóa giao thông như “đi đúng đường, dừng đúng vạch”, chấp hành các hiệu lệnh, biển báo, đèn giao thông. Địa phương các xã chỉ đạo, vận động các hộ dân thực hiện các bảng cam kết chấp hành an toàn giao thông, vận động các thành viên trong gia đình có hành vi đúng khi tham gia giao thông; duy trì việc sinh hoạt thôn, khu dân cư để kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở thanh, thiếu niên tại địa phương không tham gia đua xe trái phép, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
4. “Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”
- Có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm ổn định an ninh, chính tri, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện các biện pháp chuyển hóa các địa bàn theo hướng giảm tội phạm, ma túy, mại dâm chuyển dần xây dựng địa bàn dân cư trong sạch, an toàn.
- Tăng cường nắm tình hình nhân dân, kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; kịp thời phản ánh, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, không để xảy ra tình hình phức tạp, điểm nóng khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người. Nắm chắc và giải quyết kịp thời tình hình công nhân, người lao động về những bức xúc chính đáng, hợp pháp về tiền lương, thời gian làm việc, không để xảy ra đình công, ngừng việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, huyện.
- Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, các đối tượng xã hội; làm tốt công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, vi phạm pháp luật để họ tái hòa nhập, có cuộc sống ổn định, không bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động vi phạm pháp luật.
- Phát huy có hiệu quả lực lượng cốt cán chính trị, người có uy tín trong cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, tích cực tham gia vận động nhân dân đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án gặp khó khăn, vướng mắc; tham gia hòa giải các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, các mối quan hệ liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.
- Thực hiện hiệu quả các Chương trình phối hợp giữa các ngành với lực lượng vũ trang; thực hiện tốt công tác dân vận nơi cơ quan trú đóng; thông qua hoạt động phong trào và mô hình, điển hình “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội”, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật và tích cực tham gia bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.
([1]) Kế hoạch số 23-KH/TU, ngày 03/8/2016 triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW, ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư (khóa XII) về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 20/3/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”