Phú Quý: Với công tác đền ơn, đáp nghĩa.

Trong những năm qua, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 01/02/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI)

Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quý đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ở địa phương đạt được nhiều kết quả thiết thực; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng năm của địa phương, đã huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong việc chăm lo sức khỏe, đời sống, chế độ cho người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Qua thực hiện đồng bộ, thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc việc chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công là nghĩa cử cao đẹp, là trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước, của mỗi tổ chức, địa phương, đơn vị, của mọi người và toàn xã hội.

Những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả của Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về giải quyết các chính sách tồn đọng sau chiến tranh như: tìm kiếm mộ liệt sĩ, xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ, đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”, công nhận thương binh, liệt sĩ, người có công với Nước, làm tốt công tác vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở…; thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình đời sống các đối tượng chính sách, kịp thời giúp đỡ vật chất, tinh thần, từng bước nâng cao mức sống của các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng ngang bằng hoặc cao hơn so mức sống ở khu dân cư. Qua đó, làm khơi dậy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”. Đồng thời, việc truyên truyền, phổ biến Pháp lệnh ưu đãi người có công, các chế độ, chính sách có liên quan đến người có công được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức như tuyên truyền trên hệ thống truyền hình, truyền thanh, thông tin lưu động, các buổi sinh hoạt đoàn thể, xã hội, cộng đồng dân cư; gắn với thực hiện tốt công tác quản lý và chi trả các khoản trợ cấp ưu đãi người có công; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót, không để thiệt thòi đến quyền, lợi ích chính đáng của các đối tượng chính sách xã hội. Toàn huyện hiện có 26 đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng với số tiền 944.964.000/7 năm; giải quyết các chính sách thờ cúng liệt sỹ, chế độ mai táng phí, chính sách ưu đãi về giáo dục-đào tạo cho học sinh, sinh viên là con của người có công… với tổng kinh phí chi trả 63.744.000 đồng/7 năm. Đến nay, huyện đã giải quyết triệt để không còn hồ sơ tồn đọng về công tác thương binh, liệt sỹ và người có công trong kháng chiến qua các thời kỳ. Công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực người có công được thực hiện khá tốt. Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 693.052.999 đồng. Công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở, phong trào nhận đỡ đầu, phụng dưỡng, chăm sóc người có công luôn được cộng đồng xã hội quan tâm với tình cảm, trách nhiệm đã tạo nên phong trào sâu rộng; thời gian qua, đã hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 01 hộ gia đình chính sách, xây dựng mới 01 nhà, sửa chữa 01 mộ mẹ Việt Nam Anh hùng, tổ chức thăm hỏi và trao tặng trên 880 xuất quà cho các gia đình chính sách trong các dịp lễ, tết và ốm đau với số tiền 180.789.600 đồng. Nhiều tổ chức xã hội, đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang đã tích cực nhận tham gia phụng dưỡng, giúp đỡ gia đình chính sách xã hội; 100% đối tượng gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và thân nhân đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định… Hầu hết, các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công ở địa phương đều phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, vượt qua hoàn cảnh, tự chủ vươn lên làm giàu chính đáng và xây dựng gia đình mẫu mức, nuôi dạy con cháu thành đạt.

          Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong thời gian tới, huyện Phú Quý đã quán triệt, triển khai những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; trong đó tập trung tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ hơn nữa chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng; ý nghĩa, mục đích, hiệu quả của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phát động cộng đồng xã hội thể hiện tình cảm, nghĩa cữ, trách nhiệm của mình bằng hành động và việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả để cùng chung tay chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách xã hội, thông qua các chương trình như: đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ cải thiện nhà ở, nhận đỡ đầu, phụng dưỡng gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết những vấn đề bức xúc và thực hiện kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định; quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ làm công tác thương binh, xã hội để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Thường xuyên, kịp thời động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công phát huy truyền thống cách mạng, ý chí vươn lên, xứng đáng là “Người công dân kiểu mẫu” và “Gia đình cách mạng gương mẫu”.  Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh gia, rút kinh nghiệm và biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.

          


Các tin khác