Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển, đảo. Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống vùng biển, đảo. Đẩy nhanh điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển, đảo. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển. Xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo”. Nhận thức xác định đây là những nhiệm vụ, giải pháp mang tầm vĩ mô, với tính định hướng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm về “Phát triển kinh tế biển” của Đảng ta trong giai đoạn mới. Với niềm tin sâu sắc, mong rằng Đảng và Nhà nước thật sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, với bước đi và lộ trình phù hợp, vững chắc trong quá trình cụ thể hóa triển khai thực hiện để sớm hiện thực hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu trên.
Chúng ta đều biết, Việt Nam chúng ta là một quốc gia ven biển, có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Cùng với Biển Đông, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện đang là tiêu điểm của những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hết sức phức tạp và nhạy cảm… Vì vậy, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN), bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng biển, đảo là điều Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng. Liên hệ, chúng ta thấy rõ: Nghị quyết 03-NQ/TW, ngày 6/5/1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt” đã khẳng định tầm quan trọng và vị trí chiến lược biển và kinh tế biển trong nền kinh tế quốc dân. Đại hội lần thứ VIII của Đảng (6/1996), lần đầu tiên Đảng ta tập trung bàn về nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đặc biệt là các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Nghị quyết Đại hội VIII nhấn mạnh: “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”. Và Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 22/9/1997 của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã chỉ rõ “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá”... Từ đó, sự quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong đường lối phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), QP-AN của Đảng. Đặc biệt, Đại hội X của Đảng đã xác định: Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm QP-AN và hợp tác quốc tế. Chủ trương của Đảng đã tạo nên những chuyển biến mới tích cực trong nhận thức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo trong phát triển nền kinh tế quốc dân và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Chiến lược biển ra đời đáp ứng được sự mong đợi của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta. Đồng thời, giải đáp được nhu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách đối với tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế để “... đến năm 2020, nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn...”.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được điều chỉnh cụ thể, chi tiết hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN; QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH và trên từng địa bàn”. Trong đó, một số nội dung được nhấn mạnh như những giải pháp tích cực để gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, như tăng cường công tác quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược đều phải gắn kết chặt chẽ với quá trình tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận QP-AN; nhiệm vụ, phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội...
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh quá trình đổi mới và hội nhập, các lĩnh vực kinh tế biển gắn với tăng cường QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thường xuyên được tăng cường và chuyển biến đáng kể. Kinh tế biển đã có sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Việc khai thác nguồn lợi từ biển đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là cho xuất khẩu (dầu khí, hải sản...); tỷ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển ngày càng tăng trưởng, phát triển, đóng góp cao tỷ lệ GDP cả nước. Kinh tế biển đã được các cấp, các ngành, nhất là những tỉnh ven biển chú ý hơn.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là quá trình phát triển kinh tế biển ở một số lĩnh vực chưa thực sự được gắn kết chặt chẽ với QP-AN, hoặc ngược lại, có một số lĩnh vực của QP-AN chưa được gắn kết với phát triển kinh tế, làm cho kinh tế biển vốn còn nhiều hạn chế về khoa học công nghệ, kỹ thuật và năng lực lại bất cập trong công tác bảo vệ QP-AN, làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế biển gắn với QP-AN. Một số địa phương xây dựng quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo, chưa chú trọng các phương án xây dựng thế trận QP-AN, thế trận lòng dân, chủ yếu chạy theo lợi ích là chính; một số quy hoạch, kế hoạch, nhất là việc xây dựng bến cảng; cơ sở hạ tầng, công nghiệp biển; các khu dịch vụ trên đảo chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, không tuân thủ các nguyên tắc chung; tiến độ, chất lượng công trình không bảo đảm, làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ QP-AN và chất lượng đời sống dân sinh trên vùng biển, đảo.
Biển, đảo của nước ta không những là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng, với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế biển đa dạng, phong phú, mà còn là môi trường tác chiến quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, từng ngành, địa phương, phải biết phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH của địa phương, ngành mình và tích cực tham gia phát triển kinh tế biển cho phù hợp, phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo; trong quá trình thực hiện, mong rằng các cấp, ngành chức năng Trung ương và địa phương cần quan tâm về một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục thường xuyên tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, chủ trương của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo, về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng đất nước. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nên sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu chiến lược biển, đảo đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, đối ngoại, khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển... Qua đó, xây dựng vững chắc thế trận QP-AN, thế trận lòng dân, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bảo vệ chế độ chính trị - xã hội, lợi ích dân tộc... Đồng thời, cần chuyển tải kịp thời quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông tới cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Hai là, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khai thác tiềm năng và các lợi thế về biển, tăng cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực kinh tế biển với QP-AN để trở thành một thể thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương; tạo điều kiện cho các địa phương, nhất là những địa phương ven biển phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng trời, vùng biển, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân… Đồng thời, mở rộng chính sách, liên kết làm ăn kinh tế ở vùng biển thuộc quyền, chủ quyền của ta với những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhằm tạo ra những đối tác đan xen lợi ích trong phát triển kinh tế biển. Thông qua đó khẳng định chủ quyền của ta, hạn chế âm mưu lấn chiếm biển, đảo của các thế lực thù địch đối với nước ta, tạo ra thế và lực mới để giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp trên biển, đảo với các nước có liên quan.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; quyết tâm thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển KT-XH trên các vùng ven biển, hải đảo, đóng góp tích cực tỷ lệ tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất khẩu của cả nước từ kinh tế biển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển, ven biển và hải đảo.
Bốn là, tiếp tục đầu tư, tăng cường xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng, điều chỉnh, bố trí và triển khai hiệu quả thế trận QP-AN, kết hợp phát triển KT-XH trên vùng biển, đảo một cách hợp lý; kết hợp thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển với xây dựng thế trận QP-AN, thế trận lòng dân trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển theo như Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định. Đây là chủ trương chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng biển, đảo.
Năm là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển.