Toàn huyện, hiện có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, trong đó, nổi bật là chùa Linh Quang, vạn An Thạnh - hai di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia của huyện; bên cạnh đó là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Dinh thầy Sài Nại, đền thờ Công chúa Bàn Tranh, đền thờ bà Chúa Ngọc, đình làng Triều Dương, Nhà vuông, vạn Mỹ Khê và Đình vạn Hội An,...Với rất nhiều địa điểm di tích và thuộc nhiều địa bàn dân cư khác nhau nên việc tổ chức lễ, hội cũng khác nhau, gắn với cộng đồng dân cư nơi đó. Phần lớn các lễ, hội gắn với những di tích lịch sử văn hóa này được tổ chức khá trang trọng, thể hiện khá đậm nét văn hóa truyền thống và có giá trị lịch sử lâu đời, tạo nên mùa lễ hội sôi động. Đây cũng là dịp để nhắt nhở thế hệ sau hướng về cội nguồn, hướng về các loại hình văn hóa phi vật thể như hát bộ, chèo bá trạo, rướt sắc phong, đi lễ.... bên cạnh những giá trị văn hóa hiện đại mới. Điều đó thể hiện khá rõ nét ở mỗi dịp lễ hội là, ngoài việc tổ chức lễ, hội chính tại ngôi tôn giáo, tín ngưỡng, thì các hoạt động văn hóa như biểu diễn văn nghệ, hát với nhau,... được tổ chức bên cạnh nhau, hỗ trợ thu hút lẫn nhau để nhân dân tham gia đông hơn.
Trong xu thế phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ và hướng về giá trị thưởng lãm nghệ thuật, nhiều lễ hội được mở rộng hơn, đầu tư kỹ lưỡng cả về công tác tổ chức lễ hội. Sự giao thoa của các hoạt động phong trào theo hướng nhằm quảng bá du lịch, tôn tạo bản sắc văn hóa dân tộc, nét truyền thống lâu đời của cha ông ta còn giữ gìn, bảo tồn đến ngày nay, đó cũng là việc làm đáng khích lệ.
Tuy nhiên, việc tham gia lễ hội một phần nào đó không còn giữ được nhiều nét truyền thống như trước kia. Bản sắc vùng miền, tính văn hóa trong tiến trình hội nhập, phát triển kinh tế đã làm cho số ít Lễ hội ở Phú Quý đang ngày theo một xu hướng khác hơn, nhất là phát huy chưa đúng mức giá trị lễ - hội. Các lễ hội được tổ chức nhiều nhưng thiếu hẳn điểm nhấn cần thiết để nâng tầm giá trị văn hoá, tín ngưỡng của lễ hội nhằm tạo bước đệm là điểm đến du lịch không chỉ của địa phương mà còn tạo sức hút lớn cả trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, là bài học lịch sử thực tế nhất mà thể hệ trẻ được dịp học tập. Qua đó, hiểu sâu sắc hơn về sự ra đời của địa phương, nguồn gốc của những di tích lịch sử văn hóa ấy.
Đi hội là để tham gia các hoạt động cộng đồng và hơn nữa là hiểu được ý nghĩa truyền thống, nét văn hoá của lễ hội. Làm thế nào để lễ hội đảm bảo được bản sắc riêng và tính văn hóa trong tiến trình hội nhập, phát triển kinh tế là một điều đáng để suy ngẫm trong thời kỳ Phú Quý đang dần định hình hướng đi của mình trong phát triển du lịch và bảo tồn văn hoá. Qua đó, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.