Trong điều kiện địa lý khắc nghiệt, cán cân thương mại, dịch vụ, công nghiệp chiếm phần nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương dẫn đến việc đóng góp tương đối khiêm tốn vào tiến trình phát triển của huyện Phú Quý. Kinh tế biển nổi lên như cứu cánh duy nhất, trọng tâm nhất đưa Phú Quý vươn lên, thực hiện đạt nhiều mục tiêu quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Nổi lên trong năm 2015, đó là: Sản lượng khai thác hải sản đạt trên 25 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2014. Nuôi hải sản bằng lồng bè đã xuất đạt trên 50 tấn, gắn với mô hình tham quan du lịch, thưởng thức hải sản tại các điểm nuôi này thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương, tăng 3,2% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tương đương 32,3 tỷ đồng, tăng GDP bình quân đầu người đạt 2.300USD. Và trên hết, Phú Quý đang dần hình thành một đô thị, tuy còn nghèo, nhiều khó khăn nhưng cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng được yêu cầu, người dân đã dần ổn định và làm chủ được cuộc sống, thu nhập tăng lên. Không ngoa khi khẳng định, kinh tế biển chính là nguồn lực mạnh nhất đưa người dân Phú Quý vượt lên chính mình, vượt lên khó khăn, tiến bước phát triển.
Có được những tiến bộ đó là nhờ huyện Phú Quý đã xác định đúng hướng đi, khai thác được tiềm năng, lợi thế của mình. Nhiều năm liền, Phú Quý tập trung nguồn lực cho phát triển toàn diện kinh tế biển, trọng tâm là đẩy mạnh khai thác, chế biến và nuôi trồng hải sản. Tăng cường công tác bảo vệ hệ sinh thái biển, nhất là việc ngăn chặn hiệu quả việc đánh bắt hải sản bằng chất nổ, hóa chất độc hại. Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ nghề cá, cấp phép và tạo điều để các cơ sở sửa chữa tàu thuyền hoạt động hiệu quả. Thúc đẩy việc hợp tác và chủ động hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu hải sản. Song song đó là thực hiện tốt công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tạo được lòng tin của nhân dân yên tâm khai thác, nhất là khai thác tại các ngư trường khu vực Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa - Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc.
Song có được những thành quả trên, không thể phủ nhận sự đóng góp tích cực, hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của các cấp ngành. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản như Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, và mới nhất là Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đã tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân an tâm phát triển kinh tế biển, bám nghề, cải thiện phương tiện làm việc, nâng cao hiệu quả trong đánh bắt và tăng sản lượng khai thác.
Phú Quý, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, với vị trí địa lí nằm hoàn toàn trong ngư trường lớn vùng Nam Trung bộ và hơn 28.000 người đang sinh sống, trong đó chiếm đa số là lao động biển. Kinh tế biển là phần máu thịt gắn chặt với Phú Quý, con người Phú Quý. Sự thay đổi của cơ sở hạ tầng, một bộ phần người dân ngày một thoát nghèo vươn lên, các doanh nghiệp hải sản từng bước phát triển,... đó là thành quả của một tiến trình lâu dài mà địa phương và nhân dân đã nhiều năm liền cùng cố gắng. Kinh tế biển - chiếc phao an toàn nhất, động lực lớn nhất, hiệu quả nhất để Phú Quý vươn lên giữa biển Đông, tiến lên xây dựng đô thị văn minh, thân thiện, nghĩa tình và phát triển.