Phú Quý: Ghi nhận kết quả 02 năm thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện”

Thực hiện Quyết định số 671-QĐ/TU, ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án “Xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo tập trung tăng cường củng cố, kiện toàn, tạo điều kiện và góp phần ngày càng nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) huyện , từng bước thực hiện có kết quả Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Trước nhất, để giải quyết về điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho TTBDCT huyện và nhằm tiết kiệm quỹ đất địa phương, huyện đã có văn bản xin ý kiến, chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho chuyển TTBDCT về hoạt động chung trong khu vực của Trung tâm Dạy nghề huyện. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, kiểm tra, thẩm định hiện trạng, có kế hoạch, đề xuất yêu cầu cần thiết, trên cơ sở đó để huyện có phương án, kế hoạch cụ thể kịp thời củng cố tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho TTBDCT huyện hoạt động ổn định, hiệu quả. Điều kiện thuận lợi là ngày 14/5/2014 UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1607/UBND-VXDL về chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị TTBDCT cấp huyện; theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo đối với TTBDCT huyện Phú Quý, giao UBND huyện sắp xếp, bố trí một số hạng mục thuộc công trình Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện cho TTBDCT huyện làm trụ sở để hoạt động; đồng thời, quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư các trang thiết bị cần thiết cho TTBDCT huyện để hoạt động được thuận lợi, đạt hiệu quả.

TTBDCT huyên là đơn vị sự nghiệp trực thuộc sự quản lý song trùng giữa cấp ủy và UBND huyện (về tổ chức bộ máy, con người trực thuộc cấp ủy huyện, về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động trực thuộc UBND huyện). Trong thời gian qua, việc rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên, cũng như việc kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của TTBDCT huyện luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư theo hướng bảo đảm từng bước ổn định, nâng cao chức năng, nhiệm vụ và chất lượng hoạt động. TTBDCT huyện hiện có 03/01 nữ biên chế (01 giám đốc, 01 phó giám đốc, 01 cán bộ tổng hợp văn phòng, kiêm kế toán) cơ bản bảo đảm duy trì hoạt động thực hiện nhiệm vụ được giao (tuy nhiên, theo tiêu chí mô hình chuẩn của Đề án, hiện TTBDCT huyện còn thiếu ít nhất 01 biên chế). Đội ngũ giảng viên của TTBDCT huyện thường xuyên được rà soát, củng cố, kiện toàn. Trong đó, giảng viên kiêm chức là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt trong cơ quan Đảng, chính quyền huyện, đa phần có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân, trình độ chuyên môn đại học; có tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, sở trường, thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện quan tâm. Tuy nhiên, do điều kiện tình hình kinh tế của huyện nói chung vẫn còn nhiều khó khăn; nguồn thu ngân sách địa phương hàng năm thấp, không đủ chi cho hoạt động của bộ máy các cấp trong huyện nên tỉnh phải trợ cấp, hỗ trợ. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm được tỉnh giao cho huyện phân khai quá ít, chủ yếu dành cho đầu các hạng mục công trình trọng điểm, cấp bách, trường học, công trình phục vụ dân sinh, do vậy bước đầu huyện chưa cân đối để thực hiện theo Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; dẫn đến tình hình cơ sở vật chất của TTBDCT trước đây và trong quá trình triển khai thực hiện Đề án còn nhiều khó khăn; phương tiện, trang thiết bị làm việc và phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập theo chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm còn hạn chế, thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu, phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, học tập và hiệu quả hoạt động. Nhưng, do điều kiện đặc thù thuận lợi là huyện đảo Phú Quý nhỏ, việc mở lớp và số lượng đối tượng học tập, bồi dưỡng tại TTBDCT có thường xuyên nhưng không nhiều, bình quân mỗi năm mở trên dưới 20 lớp, mỗi lớp từ 40 đến 60 học viên, nên cơ bản hoàn thành tốt công tác mở lớp được giao. Năm 2013, huyện phê duyệt kế hoạch mở lớp là 23 lớp/năm; nhưng do yêu cầu thực tiễn, TTBDCT huyện đã tổ chức được 36 lớp cho 2.833 lượt người tham dự (trong đó có 07 lớp quán triệt nghị quyết). Năm 2014 (tính đến 30/9/2014), TTBDCT huyện đã mở 29 lớp (trong đó có 07 lớp quán triệt nghị quyết), có 2.819 lượt người tham dự (kế hoạch 24 lớp/năm). Bên cạnh đó, trong năm, TTBDCT huyện đã phối hợp Trường Chính trị Bình Thuận tổ chức khai giảng và đi vào giảng dạy, học tập (04 đợt) lớp Trung cấp lý luận chính trị-Hành chính hệ tại chức (khóa 56), mở tại huyện đảo/74 học viên.

Năm 2012, được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng TTDN có quy mô lớn (diện tích 12.000m2) và đầy đủ các hạng mục; gồm 10 phòng làm việc (4phòng 24m2/phòng; 6 phòng 16m2/phòng); 04 phòng dạy học 48m2/phòng (từ 30-40 chỗ ngồi); 03 phòng thực hành 48m2/phòng và 01 hội trường 180m2 (có thể bố trí cho 150 chỗ ngồi) với tổng kinh phí đầu tư là 14.465.000.000,00 đồng. Xuất phát từ tình hình chung của địa phương, để tiết kiệm quỹ đất và phần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho TTBDCT huyện; TTBDCT huyện được chuyển vào làm việc chung với TTDN huyện; đồng thời bước đầu đã đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập của TTBDCT huyện từng bước đáp ứng cơ bản, phù hợp yêu cầu theo Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. TTBDCT huyện đã tiếp nhận cơ sở vật chất của TTDN huyện gồm 05 phòng, tổng diện tích 112,84m2 (gồm có 03 phòng làm việc 56m2/phòng; 01 phòng học 39,2m2/ khoảng 40 chỗ ngồi; và 01 phòng 17,64m2 làm kho bảo quản dụng cụ, trang thiết bị giảng dạy). Đồng thời, việc đầu tư mua sắm mới trang thiết bị bước đầu cho TTBDCT huyện được kịp thời thực hiện tương đối đầy đủ (trang bị 14 bàn học, 56 ghế cho phòng học và phòng họp; 01 màn hình + máy chiếu; 02 máy tính xách tay (laptop); 02 tủ đựng hồ sơ; 02 bàn vi tính; 01 máy in; 01 máy photocoppy; 01 bàn làm việc, 01 bàn họp; 02 ghế xoay; 01 amply; 02 loa; 01 micro, với tổng giá trị 205.677.000 đồng) và tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cân đối chi ngân sách thực hiện trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Nhìn chung, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, mặc dù đơn vị vẫn còn những khó khăn, nhưng tập thể TTBDCT huyện đã có nhiều cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, hoạt động của TTBDCT huyện vẫn còn mặt hạn chế: cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu; công tác tổ chức, mở lớp, theo dõi, quản lý lớp học, thẩm định chất lượng học tập chưa thật sự chặt chẽ, khoa học; trình độ, năng lực đội ngũ giảng viên, báo cáo viên còn mặt hạn chế nhất định. Phương pháp giảng dạy vẫn thường áp dụng theo kiểu truyền thống (đọc, nghe, chép); chưa áp dụng, vận dụng sinh động công nghệ thông tin trong giảng dạy... Để góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả hoạt động của TTBDCT huyện trong thời gian tới, huyện đã chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục chỉ đạo, tập trung triển khai tổ chức thực hiện có kết quả Đề án “xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện” theo Quyết định số 671-QĐ/TU, ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận phù hợp với điều kiện tình hình địa phương. (2) TTBDCT huyện tiếp tục thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn trong năm 2014; kịp thời xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch, chương trình hoạt động; đồng thời căn cứ vào kế hoạch mở lớp trong năm được Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt, TTBDCT huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tiến hành tổ chức tốt các lớp học theo kế hoạch đã đề ra; thường xuyên theo dõi và đôn đốc các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện tốt việc mở lớp theo đúng tiến độ, thời gian và nội dung đã đăng ký. (3) Kịp thời rà soát, bổ sung, củng cố xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên ổn định và chuyên sâu, đầu tư nghiên cứu, trao dồi và rút kinh nghiệm trong quá trình soạn giảng, truyền đạt nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. (4) Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, từng bước vận dụng, ứng dụng có hiệu quả, chất lượng công nghệ thông tin trong giảng dạy; trong đó chú trọng phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của học viên trong quá trình tham gia lớp học. Nâng cao trách nhiệm trong công tác tổ chức, mở lớp, kiểm tra, theo dõi và quản lý lớp học bảo đảm khoa học, chặt chẽ...

Từ tình hình và điều kiện hoạt động hiện tại của TTBDCT huyện (là đơn vị sự nghiệp; hiện đang hoạt động chung trong TTDN huyện; dưới sự quản lý của cấp ủy và UBND huyện...); xét thấy sẽ thuận lợi hơn và mang lại lợi ích, hiệu quả nhiều mặt, nếu cho sáp nhập TTBDCT và TTDN huyện chung một đầu mối đơn vị, dưới sự quản lý trực tiếp của UBND huyện; trên cơ sở đó, huyện đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, cho chủ trương “đặc cách” đối với huyện đảo Phú Quý về việc cho sáp nhập chung hoạt động của TTBDCT và TTDN huyện thành một Trung tâm (với tên gọi phù hợp); đồng thời, quan tâm về tổ chức bộ máy, đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiệt bị giảng dạy cho TTBDCT huyện (và TTDN huyện nếu được sáp nhập) nhằm phát huy hết hiệu suất, công năng, hiệu quả sử dụng của Trung tâm.


Các tin khác