ĐÁM CƯỚI Ở PHÚ QUÝ - XƯA VÀ NAY

Đảo Phú Quý “bỗng dưng” nổi tiếng – là nơi duy nhất ở Việt Nam – không có đám cưới.

Trong khoảng mười năm nay, đã có nhiều bài viết về việc “cưới” ở Phú Quý được đăng báo và các “trang mạng”. Thường lấy tưa đề khá kêu, nào là: Nơi không có … đám cưới, Phú Quý – hòn đảo không có đám cưới.v.v. 
Nội dung, tựu trung đều cho rằng: tập tục xưa nay ở Phú Quý là không tổ chức đám cưới. Khi đôi trẻ yêu nhau, hoặc có tình ý với nhau, thì cha mẹ người con trai cậy nhờ người mai mối đến nhà gái - “Nói chừng”. Nếu nhà gái đồng ý gả con, thì ông mai về báo lại với gia đình nhà trai biết - tối người con trai có thể sang nhà cô gái ngủ - đôi trai gái coi như là vợ chồng. 
Tất nhiên, tác giả cũng dẫn chứng là đã hỏi một vài người dân trên đảo - nghe họ nói như thế - nên mới có cơ sở để viết. 
Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Phú Quý, nay cũng gần tuổi “tri thiên mệnh”, hiểu về phong tục, tập quán của quê mình - có lẽ cũng chưa nhiều, nhưng so với các bạn ở đất liền có dịp đến thăm Đảo (chỉ ở vài ba hôm) - thì chắc cũng không ít.
Để biết phong tục tập quán, trong đó có việc “cưới” của người dân Phú Quý, có lẽ phải bắt đầu từ việc: tìm hiểu về gốc gác, quê hương - xứ sở của họ.
Tài liệu nói về cội nguồn, có cuốn “những chặng đường lịch sử” do Huyện ủy Phú Quý biên soạn năm 2007, và “gia phả” của các dòng họ đã sinh sống lâu đời ở đây - còn lưu giữ. Theo tư liệu đó, thì con người ở Phú Quý ngày nay đều là người Kinh - có gốc gác từ các tỉnh ven biển miền Trung. Khoảng từ thế kỷ 17, do mưu sinh, hay tránh sự áp bức của vua, quan thời Trịnh – Nguyễn, nhiều gia đình từ các tỉnh duyên hải Miền Trung đã vượt trùng dương vào khai thiên lập địa - sinh sống ở đảo Phú Quý - trải qua nhiều đời - con cháu của họ nối dõi cho đến ngày nay, (tôi đã giản lược không đề cập, xa xưa người Chăm và người Hoa cũng từng sinh sống ở đây, vì thấy không mấy liên quan đến nội dung cần trao đổi).
Trong những gia đình từ miền trung di cư đến Phú Quý, có những người tinh thông kinh - điển, giỏi chữ nho, thạo chữ nôm. Họ đã mở lớp dạy chữ - nghĩa cho con cháu và những người hiếu học trong làng. Do việc học hành – chữ nghĩa ít có “đất dụng” – nên chỉ được duy trì, chứ không phát triển. Đến năm 1928, Phú Quý mới có trường làng đầu tiên dạy chữ quốc ngữ. Trường chỉ dạy 3 lớp: đồng ấu, dự bị và sơ đẳng, những người muốn học tiếp thì phải vào đất liền, nên ít người có điều kiện theo học được.
Về phong tục tập quán - trong đó có việc “cưới”, thì người Phú Quý cũng chịu ảnh hưởng rất sâu sắc theo phong tục người Miền Trung (xứ Ngũ Quảng). 
Trước đây, việc “cưới” ở Phú Quý cũng rất nghiêm cẩn, có khi còn quá khắc khe. Lúc nhỏ, tôi thường nghe các cụ già nói: “bây giờ việc dựng vợ, gả chồng sao dễ dãi quá mức - chứ thời các cụ trở về trước là nghiêm lắm. Hỏi vợ xong phải làm rể năm, sáu năm mà chưa dám nắm tay cô vợ tương lai của mình - chứ nói gì đến ngủ chung. Sau giảm còn ba năm, rồi còn một năm và sau bỏ thời gian làm rể - Khi lễ hỏi xong - hai bên gia đình chọn ngày lành tháng tốt – tổ chức lễ cưới xong đâu vào đấy - thì đôi trẻ mới chính thức thành vợ, thành chồng”.  
Lịch sử có những giai đoạn - người dân đảo Phú Quý chủ yếu dựa vào nông nghiệp - tự cung, tự  cấp - đời sống hết sức khó khăn – những năm mất mùa, đói kém – phải ăn rong biển để sinh tồn - vật dụng thì thiếu thốn đủ bề. Vì vậy mà việc “cưới” –  cũng được người dân làm giản tiện hơn. Tuy nhiên, những gia đình giàu có, khá giả thì vẫn tổ chức “cưới” với đầy đủ các nghi lễ truyền thống của dân tộc. Người nghèo thì làm đơn giản hơn, giảm bớt các nghi lễ tốn kém. Tuy làm giản đơn – nhưng không đến mức hời hợt, tùy tiện - “không giống ai” như một số bài báo đã viết. 
Những năm gần đây, việc “cưới” ở Phú Quý cũng có những thay đổi: Một số gia đình - tổ chức cưới ở nhà hàng khá linh đình – khách mời thì quá đông. Nhưng ngược lại, nhiều người không tổ chức cưới, hoặc làm quá giản đơn – không theo mỹ tục truyền thống. Lễ hỏi, lễ cưới ở tại các gia đình: nhà trai và nhà gái cũng ít được chú trọng - có khi chỉ làm lấy lệ. 
Tất nhiên, cũng có những người “té nước theo mưa”, con cái đến tuổi “dựng vợ gả chồng” chẳng chịu tìm hiểu thuần phong mỹ tục – lễ nghĩa của ông cha – nghĩ sao làm vậy – thấy người khác làm, mình cũng làm theo – lại còn đi nói với người ngoài rằng: “xưa nay, người dân ở Phú Quý không có đám cưới” – thật là bậy hết sức!  
Tôi không có ý cổ xúy việc “cưới, hỏi” rình rang, tốn kém. Nhưng thiết nghĩ: lấy vợ - lấy chồng là việc hệ trọng ảnh hưởng cả đời người, nên không thể hời hợt, tùy tiện được. Vì vậy, cha mẹ cũng nên tổ chức lễ hỏi - lễ cưới cho con một cách trang trọng – nhưng cũng phải gọn nhẹ, tiết kiệm phù hợp với gia cảnh mỗi nhà – tránh phô trương, hình thức làm tốn kém cho gia đình và xã hộị.
Ngày nay, đời sống của bà con ở Phú Quý tuy chưa giàu, nhưng đã khá hơn trước rất nhiều. Nên việc “dựng vợ gả chồng” cho con cái, cũng cần phải sửa đổi cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và nếp sống văn minh của thời đại.


Các tin khác