1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 11-CT/TU đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Qua đó, tạo sự chuyển biến cả về nhận thức, thái độ và hành động trong thực hiện cải cách hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục có hiệu quả các hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển; thay thế ngay những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp.
3. Hàng năm, sau khi có báo cáo kết quả phân tích, đánh giá, xếp loại của năm trước liền kề về các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI([1]); người đứng đầu cấp ủy, chính quyền khẩn trương chỉ đạo rà soát, xác định các nội dung còn hạn chế, yếu kém để xây dựng chương trình, kế hoạch khắc phục; đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phải tập trung thực hiện để tiếp tục nâng cao điểm số các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
4. Ủy ban nhân dân huyện xây dựng chương trình, kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tập thể, cá nhân có liên quan để triển khai khắc phục những nội dung hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả công bố các chỉ số hàng năm của địa phương mình; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân và tổ chức, nhất là các chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn thủ tục, nâng cao trách nhiệm, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và tổ chức; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được cấp thẩm quyền công bố danh mục; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, tham gia xây dựng chính quyền, gắn với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
5. Các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, trong đó tập trung:
- Xây dựng và hoàn thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên thông, liên thông điện tử giữa các cấp, các ngành, gắn với việc rà soát cắt giảm thời gian; quy định rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Kịp thời công bố danh mục các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện công khai đầy đủ, đúng quy định các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền với nhiều hình thức, theo hướng người dân và tổ chức dễ tiếp cận thực hiện. Đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích, gắn với tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, tổ chức biết và thực hiện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện, cấp xã.
- Thực hiện việc công khai các loại quy hoạch; nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đúng quy định, thuận lợi nhất cho tổ chức và công dân khi tiếp cận thông tin.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là số cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc, nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp trễ hẹn, sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Lựa chọn những công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao để bố trí làm việc tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện thí điểm chủ trương chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm, khi tỉnh triển khai.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng.
- Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho công tác cải cách hành chính.
6. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, các ban của Hội đồng nhân dân huyện tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách hành chính.
7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện việc triển khai công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện.
([1]) Thuật ngữ: PAR INDEX: Điểm số và thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính.
SIPAS: Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
PAPI: Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công.
PCI: Chỉ số năng lực cạnh tranh.