An toàn thông tin trong chuyển đổi số - thách thức và giải pháp

Đây là chủ đề của Hội thảo - Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021 diễn ra ngày 25/11/2021 tại Hà Nội. Sự kiện thường niên lần thứ 14 năm nay được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội.
 

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng; Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam....

Hội thảo - Triển lãm còn có sự tham dự của nhiều khách mời gồm lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; đơn vị chuyên trách ATTT/CNTT của các Bộ, ngành, Sở TT&TT các địa phương; Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, hội, hiệp hội, trường đại học, các ngân hàng, tổ chức tài chính, các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng.

 

Hội thảo - Triển lãm là một diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, thu hút sự quan tâm đối với cộng đồng an toàn, an ninh mạng trong nước và quốc tế. Hội thảo năm nay tập trung vào phân tích thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ, giải pháp an toàn thông tin phục vụ cho chuyển đổi số và an toàn thông tin cho giai đoạn thích ứng với đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã bày tỏ sự ấn tượng với Hội thảo – Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm nay, bởi Hội thảo quy mô lớn diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất phức tạp được truyền hình trực tuyến và được mở đầu bằng một sản phẩm số.

Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, chuyển đổi số quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số đã mở ra ba xu thế lớn: kinh tế nền tảng, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa. Hiện nay, thực tế cho thấy, đa số các thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, PC, laptop, máy tính bảng,… đều chưa được cài phần mềm bảo vệ. Thậm chí các camera chưa được đánh giá an toàn thông tin và cài phần mềm bảo mật cũng gây rò rỉ, lộ lọt hình ảnh riêng tư trên mạng. Trung bình hàng năm, mỗi người dùng trên toàn cầu gặp phải từ 3-4 cuộc tấn công mạng. Càng ý thức cao về sự không an toàn thì người dùng sẽ càng an toàn hơn.

Trên thế giới mới chỉ có khoảng 60% các dự án phát triển phần mềm áp dụng quy trình phát triển đánh giá ATTT trước khi vận hành. Tại Việt Nam, con số này còn thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, vẫn còn tồn tại rất nhiều lỗi lập trình gây mất ATTT nghiêm trọng. Nếu những phần mềm này là các nền tảng số quốc gia thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Lừa đảo trực tuyến gia tăng mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua khi chuyển đổi số được thúc đẩy. Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro an toàn, an ninh mạng là tăng cường các biện pháp bảo mật và an toàn thông tin, luôn phải có tính toán từng cấp độ ATTT cho các hệ thống CNTT.

Bộ TT&TT đã đưa ra khuyến nghị về mô hình 4 lớp để bảo vệ các hệ thống CNTT bao gồm: nhân lực tại chỗ, sự bảo vệ của doanh nghiệp chuyên trách về ATTT, sự kiểm tra tuân thủ của doanh nghiệp kiểm toán ATTT, sự giám sát của trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển các công nghệ, sản phẩm make in Vietnam. Bảo vệ Việt Nam tốt nhất bằng vũ khí Việt Nam và theo cách Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã đề cập đến những thách thức trong bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số và khẳng định trách nhiệm, nhiệm vụ của các doanh nghiệp ATTT, của Hiệp hội trong việc góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo dựng niềm tin số cho xã hội tại Việt Nam.

Hội thảo diễn ra bao gồm phiên toàn thể buổi sáng, phiên chuyên đề buổi chiều và triển lãm trực tuyến. Phiên toàn thể buổi sáng diễn ra gồm 02 chuyên đề và 01 tọa đàm với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; các chuyên gia nổi tiếng về ATTT quốc tế và chuyên gia của các công ty lớn trong và ngoài nước.

Chuyên đề 1 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số” gồm các tham luận đề cập tới một số vấn đề và giải pháp an toàn thông tin mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với sự tham gia của Cục An toàn thông tin, Công ty an ninh mạng Viettel và F- Secure. Đáng chú ý, ông Mikko Hypponen, chuyên gia an toàn thông tin nổi tiếng thế giới đã chia sẻ về vấn đề Phòng chống tấn công mạng toàn cầu, giúp người dùng có thêm góc nhìn về các phương thức mới trong lĩnh vực tấn công mạng và cung cấp thêm kỹ năng về an toàn thông tin cho người dùng.

Chuyên đề 2 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng công nghệ trong giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19 tại Việt Nam” gồm các  tham luận xoay quanh vấn đề: Hợp tác và chia sẻ thông tin về tấn công mạng khu vực Châu Á - Thái bình Dương; Bảo đảm an toàn thông tin cho điện toán đám mây, chống lại tấn công mạng vào chuỗi cung ứng toàn cầu; ATTT là động lực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế hậu Covid-19… và những bài học kinh nghiệm do chuyên gia hàng đầu của các công ty đa quốc gia như Kaspersky, Fortinet, IBM, Huawei trình bày.

Tọa đàm: “Bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng công nghệ phòng chống và thích ứng với dịch Covid-19: Những vấn đề thực tiễn” do Cục ATTT chủ trì đã diễn ra với sự tham gia của các diễn giả trong và ngoài nước như Viettel, FPT-IS, CMC, McAfee mang đến cho độc giả những bài học kinh nghiệm trong 02 năm diễn ra dịch bệnh Covid-19 đối với ngành ATTT.

Phiên hội thảo chuyên đề buổi chiều diễn ra với chủ đề “Bảo đảm an toàn thông tin cho dữ liệu và giao dịch trực tuyến” do lãnh đạo Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng, Cục A05 Bộ Công an và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đồng chủ trì.

Các tham luận trong phiên chuyên đề buổi chiều tập trung chia sẻ về các vấn đề mang tính thời sự hiện nay như: biện pháp bảo vệ cho giao dịch tuyến; bảo mật thông tin cá nhân và phòng chống các phương thức tấn công mạng thế hệ mới với sự tham gia của các công ty công nghệ trong nước và quốc tế như công ty Hệ thống thông tin FPT, VNPT-IT, Checkpoint, Samsung, Techdata, Group IB, Tập đoàn MK, công ty Mi2 và Invicti…

Bên cạnh Hội thảo là triển lãm trực tuyến với gần 30 gian hàng giới thiệu các giải pháp công nghệ ATTT tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là sản phẩm make in Vietnam mới và là điểm nổi bật năm nay tại Hội thảo - Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021.


Các tin khác